Giá lương thực trên thế giới năm 2021 tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Ảnh Reuters.
Theo Kostas Mastoras, Chủ tịch kiêm người sáng lập chuỗi siêu thị bán lẻ Titan Foods ở Queens, New York (Mỹ), cho rằng giá thực phẩm tăng cao, khiến lạm phát leo thang trong 18 tháng qua chủ yếu là do vấn đề khí hậu.
Ông Mastoras cho biết: "Khí hậu biến đổi đã làm thay đổi thời tiết đáng kể trong những năm gần đây, qua đó hạn chế nguồn cung cấp lương thực. Điều này kết hợp với nhu cầu lương thực tăng cao đã góp phần thúc đẩy lạm phát giá lương thực".
Giám đốc điều hành Quỹ Phục hồi Khí hậu Rick Wayman cũng đồng ý với quan điểm này. Ông giải thích: "Cho dù đó là cháy rừng hoành hành, hạn hán hay băng giá tàn khốc, biến đổi khí hậu đang gây ra các hiện tượng thời tiết thảm khốc. Và hệ quả là nông dân mất mùa hoàn toàn, khiến chi phí lương thực tăng cao". Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã tăng 31% trong năm vừa qua, khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt được liệt kê là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu hụt nguồn cung.
Cùng với giá nhiên liệu cao hơn, giá thực phẩm là những yếu tố quan trọng đằng sau sự gia tăng lạm phát ở Mỹ, bằng chứng là khoảng cách lớn giữa lạm phát chung và lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng.
Theo Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 0,8% trong tháng 11/2021 so với mức tăng 0,9% trong tháng 10. Tính chung 12 tháng qua, chỉ số giá tất cả các mặt hàng tại Mỹ tăng 6,8%, trong khi chỉ số CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 4,9%.
Ông Mastoras đã cung cấp một vài ví dụ về việc biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực như thế nào. Một trong số đó là nguồn cung cấp quả sung khô từ Messinia, một trong những tỉnh phía Nam của Hy Lạp. Ông nói: "Thời tiết nắng nóng đã khiến nguồn cung suy giảm gần 70% trong năm nay. Trong khi đó, thời tiết mưa bão ở các tỉnh phía Bắc của Hy Lạp đã làm giảm mạnh nguồn cung đậu, và giá cũng tăng vọt".
Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến nguồn cung một mặt hàng khác, quan trọng hơn, là lúa mì. Mỹ, nhà sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới, đã trải qua thời tiết khô và ấm không trái mùa, ảnh hưởng đến lượng đất được giao cho các đồn điền trồng lúa mì, sản lượng lúa mì và cuối cùng là nguồn cung lúa mì.
Điều này cũng diễn ra với các nước sản xuất lúa mì lớn khác như Argentina, Nga, Kazakhstan, Pháp và Đức.
Dự trữ lương thực sẽ giảm bớt khi đại dịch COVID-19 kết thúc, giúp giảm lạm phát lương thực. Nhưng lạm phát lương thực sẽ không biến mất cho đến khi các vấn đề khí hậu không thuận lợi cho việc canh tác giảm bớt. Thật không may, điều này có thể kéo dài hơn nhiều so với đại dịch COVID-19.
Nguồn VTV