Việt Nam là quốc gia có nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển từ rất sớm. Để duy trì việc canh tác nông nghiệp người dân phải dựa vào thiên nhiên và mưa là một hiện tượng tự nhiên có quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt với cư dân nông nghiệp lúa nước. Mưa có vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Việt và đã trở thành hình ảnh quen thuộc của mỗi làng, mỗi xóm, mỗi người làm nghề nông. Mưa cũng chính là hình ảnh biểu tượng văn hóa truyền thống mang đậm vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc.
Người Việt sống chủ yếu bằng nghề canh tác nông nghiệp lúa nước nên trong sản xuất gắn bó lâu dài, bền chặt với tự nhiên.“Khi đã làm nông nghiệp, thiên nhiên sẽ liên quan đến con người như máu thịt. Có hai hiện tượng quyết định cuộc sống là nắng và mưa”[1]. Trong đó, mưa gắn với sinh sôi sự sống, phì nhiêu, màu mỡ của đất đai nên trong đời sống văn hoá của người Việt mưa trở thành biểu tượng của nguồn sống, nguồn sản sinh của đất và người. Bên cạnh đó, mưa còn được xem là biểu tượng của sự thanh sạch, gột rửa. Nguồn nước mưa khiến cảnh vật, sự sống trở nên trong sáng, tươi trẻ hơn nhất là sau những ngày nắng hạn. Mặt khác, mưa cũng là biểu tượng của sự phá hủy cuộc sống của con người. Vào mùa mưa, khi mưa lớn trong khoảng nhiều ngày, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thường gây ra ngập úng, lũ lụt. Điều đó khiến cho cuộc sống của con người bị tàn phá, hủy hoại một cách nhanh chóng. Sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên đã dẫn đến nhận thức và tư duy về tín ngưỡng đa thần của người dân nơi đây. Con người quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh và một trong các vị thần đó là thần Mưa. Do đó, trong đời sống văn hoá của người Việt, tồn tại rất nhiều tín ngưỡng dân gian gắn với các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp cầu nước, cầu mưa.
Thầy cúng làm lễ cầu mưa (Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Đắk Lắk)
Trong đời sống văn hoá của người Việt, Lễ hội cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng và có từ lâu đời. Đây là một nghi lễ truyền thống để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, cây cối đâm chồi nảy lộc, cuộc sống của người dân được no đủ,… đồng thời giáo dục con cháu biết bảo vệ và tôn trọng môi trường sống. Ở mỗi địa phương, việc thực hành tín ngưỡng và tổ chức nghi lễ cầu mưa mang bản sắc văn hoá riêng của từng cộng đồng người.
Thầy cúng cùng các già làng thực hiện bài cúng mời thần linh trong lễ cầu mưa (Ảnh: vanhien.vn)
Khi các lễ thức của phần nghi lễ cầu mưa kết thúc, phần hội diễn ra trong niềm phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới bội thu và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những chàng trai, cô gái và người dân trong cộng đồng nô nức tham gia chơi hội, thể hiện tài năng qua lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống đậm đà sắc thái bản địa. Đây cũng chính là ngày hội đoàn kết của cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn để hiểu nhau hơn, cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng. Nhiều trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức trong lễ hội cầu mưa như để bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với các vị thần, tổ tiên, thể hiện tinh thần lạc quan và niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp.
Phần hội sau các nghi lễ cầu mưa (Ảnh: baodantoc.vn)
Mưa mang ý nghĩa biểu tượng và đi sâu vào tín ngưỡng dân gian của người Việt. Hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là hiện tượng tín ngưỡng bản địa của nước ta mang đậm màu sắc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước kết hợp với Phật giáo - tôn giáo du nhập từ Ấn Độ, tồn tại khá phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Hình thái thờ thần Tứ Pháp là một trong những hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ khi mà đời sống nông nghiệp lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Tứ Pháp bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Các vị thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Sét được Phật hóa để trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Ðiện và đó là Tứ Pháp - Phật giáo dân gian Việt Nam.
Mưa vừa là hiện tượng tự nhiên gắn bó mật thiết nhất, quan trọng nhất trong đời sống con người, vừa là biểu tượng văn hóa của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Ý nghĩa biểu tượng của mưa rất phong phú, linh hoạt vừa tiềm ẩn yếu tố tâm linh thiêng liêng, thần bí vừa hiện hữu gần gũi, mang hơi thở của cuộc sống. Chính điều này đã làm cho biểu tượng mưa có sức sống bền lâu trong tâm thức người dân đất Việt.
[1] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004, trang 318.
Khánh Linh