Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tăng cường hợp tác, giao lưu trên nhiều lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực văn hóa được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng, ở nhiệm vụ thứ sáu về Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đã khẳng định: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực…”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, cụ thể Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 (năm 2015), ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam (năm 2021)…
Nhờ vậy, trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa đã có nhiều hoạt động mở rộng giao lưu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển. Mức độ giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức lớn về văn hóa hết sức đa dạng, linh hoạt, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Theo tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, công tác hội nhập quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đạt được nhiều kết quả to lớn, tập trung trên một số khía cạnh cơ bản như sau:
Từ năm 2014 đến tháng 3/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì đàm phán, ký kết 110 điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương các cấp, làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế, tận dụng các nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế, qua đó quảng bá, giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động hợp tác quốc tế về văn hóa các quốc gia, các địa phương của nước ngoài trong phạm vi cho phép ngày càng nhiều.
Các hoạt động văn hóa đối ngoại với nhiều quy mô khác nhau đã được tổ chức hàng năm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều Ngày Việt Nam, Ngày Văn hóa/Tuần Văn hóa, Ngày/Tuần Văn hóa-Du lịch bao gồm nhiều hoạt động đa dạng như biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, tuần phim, triển lãm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, hội thảo, roadshow quảng bá du lịch… Các hoạt động hợp tác văn hóa đó đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về Việt Nam, một đất nước thanh bình, hữu nghị, mến khách, có nhiều di sản, nền văn hóa phong phú, đa dạng, ẩm thực hấp dẫn.
Việt Nam đã chủ động đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện về văn hóa, thể thao, du lịch tại Việt Nam có quy mô, uy tín, chất lượng tầm cỡ khu vực và quốc tế như Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Múa rối quốc tế, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam, SEA GAMES, Asian Indoor Games... Thông qua các hoạt động này, các giá trị, tri thức, đặc trưng văn hóa của nhân loại được giới thiệu đến người dân Việt Nam để học hỏi, tiếp thu.
Việt Nam cũng đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó nổi bật có Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO), ASEAN, APEC, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và các cơ chế khu vực và quốc tế liên quan. Đặc biệt, trong khuôn khổ UNESCO, lần đầu tiên Việt Nam là thành viên Ủy ban liên Chính phủ 03 Công ước quan trọng hàng đầu về văn hóa (Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027).
Các cơ quan chức năng ngành văn hóa đã chú trọng xây dựng, phát triển các hình thức quảng bá trực tuyến như website, mạng xã hội, các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá (sách, tài liệu, phim truyện và phim tài liệu đặc sắc...) để quảng bá, giới thiệu về văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam... Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động mời, đón các đoàn làm phim khu vực, quốc tế vào Việt Nam đưa tin, viết bài giới thiệu về đất nước ta. Những chương trình này đã góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam đến bạn bè và khách du lịch quốc tế…
Tuy nhiên, các hoạt động giao lưu, đối ngoại lĩnh vực văn hóa đòi hỏi mức đầu tư kinh phí khá cao, vì vậy, hiện vẫn chưa nhiều những hoạt động quy mô lớn, tầm cỡ, dài hạn trong giao lưu, đối ngoại để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam còn thiếu những trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện. Văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực đang bị các thế lực thù địch lợi dụng, nhất là việc tuyên truyền thông tin sai trái từ nước ngoài qua mạng Internet nhằm gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang ở một bộ phận cán bộ và người dân…
Trong thời gian tới, cần tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại theo các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã ban hành. Tiếp tục rà soát, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác văn hóa, nghệ thuật. Nghiên cứu, xây dựng, đầu tư một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, trong đó ưu tiên ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ… Phát huy hơn nữa vai trò của công tác văn hóa đối ngoại tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như: UNESCO, ASEAN, ASEM… Đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô lớn và uy tín; phát triển các thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa - nghệ thuật chất lượng tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đẩy lùi hạn chế, tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hoá về văn hoá; đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ…
Thực hiện hiệu quả những giải pháp đó, Việt Nam sẽ thực sự chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Qua đó, sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Anh Vũ