Thu hút dự án chất lượng, tác động lan tỏa
Với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, Bình Định trở thành một trong những điểm đến để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo - ngành công nghiệp mới đang hình thành ở miền Trung - Tây Nguyên với tốc độ nhanh, phủ sóng diện rộng.
Đến thời điểm này, tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội đã thu hút 6 dự án năng lượng tái tạo. Điển hình là dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Fujiwara Bình Định, do Công ty CP Fujiwara (100% vốn Nhật Bản) làm chủ đầu tư, trên 300 ha tại KKT Nhơn Hội, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án nhà máy điện mặt trời, công suất 50 MWp đã hoạt động hòa lưới điện quốc gia, sản lượng phát điện trung bình 61.000 MWh/năm; hiện tiếp tục giai đoạn 2 phát triển điện gió. Dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 3 do Công ty CP Phong điện Miền Trung làm chủ đầu tư (tổng công suất 21 MW), cũng đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia, trung bình cung cấp 70 triệu KWh/năm.
Theo ông Osamu Kimura, Tổng Giám đốc Công ty Fujiwara Bình Định, DN tập trung triển khai dự án năng lượng tái tạo để tạo nguồn cung thay thế, chú trọng nghiên cứu các giải pháp công nghệ, phương án xây dựng, giải pháp môi trường, cũng như phân tích và nghiên cứu nhu cầu năng lượng của tỉnh để đầu tư.
Ông Cao Thanh Thương, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: KKT Nhơn Hội hiện có 94 dự án đăng ký đầu tư khoảng 80.667 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 21.169 tỷ đồng; trong đó, 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (605 triệu USD). Nhiều dự án đầu tư có tác động thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị và sản xuất công nghiệp.
Dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Báo Bình Định
Quyết định 514/QĐ-TTg ngày 8.5.2019 của Chính phủ đã điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKT Nhơn Hội đến năm 2040 theo hướng giảm diện tích đất công nghiệp và tăng diện tích đất dịch vụ đô thị tại khu vực bán đảo Phương Mai. Đây là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng, tạo tiền đề để phát triển các khu dân cư, dịch vụ tại khu vực này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phê duyệt bổ sung Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex - Bình Định, quy mô 2.308 ha vào quy hoạch KKT Nhơn Hội. “Việc thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, có tính động lực góp phần quan trọng đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí thân thiện với môi trường, tuân thủ chính sách phát triển bền vững”, ông Thương nói.
Thu hút đầu tư của tỉnh cũng đi vào chiều sâu, chú trọng hàm lượng công nghệ cao trên các lĩnh vực. Điển hình là sự hiện diện của các dự án đầu tư về công nghệ thông tin như Công viên Sáng tạo phần mềm TMA, ĐH FPT phân hiệu AI Quy Nhơn, Khu đô thị khoa học và trường ĐH đào tạo kỹ sư AI (trí tuệ nhân tạo) đầu tiên tại tỉnh. Các dự án này đi vào hoạt động góp phần quan trọng cung cấp các giải pháp công nghệ phục vụ phát triển sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động chuyên ngành; thu hút chuyên gia giỏi, nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc tại Quy Nhơn.
Quyết liệt cạnh tranh để nắm bắt cơ hội
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút được 732 dự án vốn đầu tư trong nước (hơn 155.985 tỷ đồng); 83 dự án FDI (vốn đăng ký 979,94 triệu USD). Những kết quả trong thu hút vốn FDI nói trên đến từ sự hợp lực của nhiều yếu tố, với nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng chất chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư. Đáng chú ý là lãnh đạo tỉnh trực tiếp vào cuộc, chủ động, luôn đồng hành với nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Giai đoạn tới được xác định nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hoành hành trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hải cho rằng, đây cũng chính cơ hội. Sau tác động của dịch Covid-19, bức tranh thu hút đầu tư đang được vẽ lại, DN nước ngoài dịch chuyển hướng đầu tư, mà Việt Nam là một trong những điểm đến. Cơ hội của tỉnh theo đó cũng rất lớn, nhưng chúng ta phải quyết liệt cạnh tranh để thu hút dự án FDI chất lượng cao.
Cắt băng khánh thành Công viên Sáng tạo TMA ở TP Quy Nhơn. Ảnh: internet
Để nắm bắt cơ hội này, các yếu tố quan trọng cần có là môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chuẩn bị quỹ đất mở rộng các khu công nghiệp, chọn lọc thu hút dự án đầu tư. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến đầu tư; phối hợp với các bộ, ngành, tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư; đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao…
Ông Cao Thanh Thương cho biết, Ban Quản lý KKT tỉnh đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch - xây dựng, tài nguyên - môi trường, lao động.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh và một số cơ quan chuyên môn của tỉnh, chính quyền địa phương ủy quyền, phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến lao động; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và thiết kế, dự toán các công trình xây dựng; xác nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường các dự án đầu tư trong KKT, khu công nghiệp… để hỗ trợ nhà đầu tư./.
Theo Báo Bình Định