Tái cơ cấu
Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp và PTNT thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, bất lợi, như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi phát sinh. Đặc biệt, dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh, kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi năm 2019 và gần đây dịch Covid-19 trên người đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Xác định rõ những khó khăn đó, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm, phát huy các sản phẩm lợi thế như cao su, thanh long…
Một trong những thành quả đạt được của ngành và các địa phương, nông dân là đến năm 2020 toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 9.200 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Trong chăn nuôi, các địa phương đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại và ứng dụng công nghệ mới có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường mang lại hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt những năm gần đây, tỉnh tập trung phát triển thủy lợi, trong đó tập trung các biện pháp quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn nước hiện có, tuyên truyền cho nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí. Mặt khác, đôn đốc các đơn vị quản lý sử dụng công trình thủy lợi trong tỉnh thường xuyên nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi hiện đang khai thác sử dụng, đảm bảo duy trì khả năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là các công trình hồ Sông Lũy, Sông Dinh 3, hệ thống kênh chính và kênh cấp I dự án Tà Pao, kênh cấp 3 dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Quý... góp phần tích cực đến hiệu quả sản xuất, phòng chống thiên tai.
Khởi sắc nông thôn mới
Những năm qua, trong phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, Sở Nông nghiệp và PTNT với trách nhiệm là cơ quan thường trực chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, ngành đã tích cực tham mưu, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, Mặt trận đoàn thể, doanh nghiệp và người dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, môi trường, cảnh quan nông thôn được nâng lên. Nổi bật đến nay toàn tỉnh có 61/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 65,6% tổng số xã, riêng huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong các năm từ 2020 - 2025, ngành tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tập trung các cây trồng lợi thế của tỉnh gồm thanh long, cao su và các loại nông sản hàng hóa có giá trị khác. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hàng năm có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”; đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Đẩy mạnh khuyến nông, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tiếp tục hình thành và sớm đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Qua đó, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngành nông nghiệp và PTNT đang từng bước nỗ lực, cùng nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Theo Báo Bình Thuận