Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy bên trong, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I. Đến thời điểm này, việc rà soát cũng như kế hoạch sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy của các bộ ngành đang được thực hiện ra sao?
Những con số biết nói
Thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tháng 10/2019, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã thực hiện sáp nhập Chi cục Thuế Ninh Bình – Hoa Lư thành Chi cục Thuế khu vực Ninh Bình – Hoa Lư.
Theo bà Đỗ Hồng Huế, Chi cục Thuế khu vực Ninh Bình – Hoa Lư, sau sáp nhập, dù có thay đổi về bộ máy, con người, nhưng mọi hoạt động vẫn đảm bảo.
“Khi sáp nhập, quản lý theo mô hình của Quyết định 245 với nhiều nội dung công việc, đối tượng lớn hơn, bộ phận kê khai chia theo đầu công việc, lĩnh vực để cán bộ có khả năng xử lý theo nhóm, đảm bảo có người làm ngay từ khâu giám sát trong quá trình thực hiện, nên cũng có hiệu quả rõ rệt trong việc cán bộ được tiếp cận nhiều hơn với các ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý”, bà Huế cho biết thêm.
Thuế chỉ là một trong nhiều lĩnh vực của ngành Tài chính thực hiện tinh gọn bộ máy hiệu quả. Đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm được hơn 3.700 đầu mối đơn vị, đặc biệt giảm được hơn 3.600 công chức giữ chức danh lãnh đạo.
Bà Vũ Thị Tuyết Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) cho biết, khối lãnh đạo sau khi sắp xếp không còn giữ chức vụ, thực hiện theo chế độ vẫn được duy trì phụ cấp cho đến hết thời hạn bổ nhiệm. Với trường hợp thời hạn bổ nhiệm còn dưới 3 tháng thì thực hiện duy trì phụ cấp thêm 6 tháng.
Còn tại Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng thông tin, sau khi có Nghị quyết số 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực rà soát, sắp xếp lại bộ máy bên trong, trường đào tạo bồi dưỡng được sáp nhập về Học viện Hành chính; các trường của Tôn giáo, thi đua cũng được sắp xếp lại.
“Bộ Nội vụ rất tích cực rà soát sắp xếp lại bộ máy bên trong. Ví dụ như trường đào tạo bồi dưỡng được hợp nhất, sáp nhập về Học viện Hành chính; các trường của tôn giáo, thi đua cũng được sắp xếp lại. Đặc biệt, cấp phòng trong vụ thuộc Bộ và phòng trong vụ thuộc Tổng cục cơ bản không còn. Tổng số các đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã giảm được 18 đầu mối”, ông Thăng cho biết thêm.
Bộ Công an cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy giai đoạn này. Lực lượng công an đã giảm được 6 tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, hơn 800 đơn vị cấp phòng, hơn 2.000 đơn vị cấp đội, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của 63 công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công an cấp huyện theo hướng giảm đầu mối cấp phòng, cấp đội. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công an đã tinh giản biên chế được hơn 6.000 người, 63 địa phương đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại gần 4.000 xã với tổng số gần 10.000 cán bộ công an chính quy.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: “Để tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân theo hướng bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở, một trong những giải pháp trọng tâm là phải tiếp tục tập trung điều chỉnh bố trí lại lực lượng theo hướng tăng cường cho cơ sở, giảm quân số cấp tỉnh, cấp huyện, tăng cường cho cấp xã, cấp phường, thị trấn đi đôi với đổi mới phương thức hoạt động”.
Bộ Công Thương đã cắt giảm số đơn vị đầu mối từ 35 đơn vị, 30 đơn vị hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp xuống còn 30 đơn vị, gồm 26 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp. Số lượng phòng giảm từ 197 xuống còn 125. Trong quá trình rà soát lại cơ cấu tổ chức của đơn vị, Bộ tiếp tục giảm thêm 2 phòng của Thanh tra Bộ, tinh giản biên chế hơn 800 người. Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 74 phòng trong toàn bộ hệ thống, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng giảm từ 11 đầu mối xuống còn 8; tổ chức phòng thuộc cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng giảm từ 48 còn 30 đơn vị.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, đây là những con số biết nói, khẳng định sự quyết tâm, hiệu quả trong công tác tinh gọn bộ máy.
“Thu gọn đầu mối là chuyện rất khó nhưng chúng ta đã thu gọn được khá nhiều đầu mối, từ trung ương đến địa phương, thể hiện sự quyết liệt của trung ương, thể hiện những đồng chí được trao trách nhiệm này đã thể hiện được bản lĩnh, thực sự vì Đảng, vì dân”, bà An nêu quan điểm.
Tinh gọn phải gắn với nâng cao chất lượng
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc rà soát và đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn đầu mối, tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy bên trong của các bộ ngành.
Theo thông báo số 16 năm 2022 của Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ ngành có nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, có đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong kèm theo gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định và tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự thảo nghị định theo quy định. Trường hợp các nội dung còn có ý kiến khác nhau, như chưa thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, bộ ngành có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I năm nay của Bộ Nội vụ, ông Trần Văn Khiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, cho biết các bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp và đề xuất dự thảo nghị định quy định về nhiệm vụ chức năng, quyền hạn của các bộ gửi Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, hiện có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ tính cả 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM tổng số là có 32 cơ quan. Trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ phải bảo đảm đúng nguyên tắc của Nghị quyết số 18 khóa XII, các nghị định của Chính phủ về tiêu chí thành lập tổ chức để đảm bảo tính liên thông cũng như tính hiệu lực, hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh, Bộ Nội vụ phấn đấu sớm có phương án sắp xếp cục, tổng cục thuộc các bộ ngành tuy nhiên việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự là vấn đề nhạy cảm, phức tạp cần được dư luận xã hội chia sẻ vì vừa làm vừa phải đảm bảo tính ổn định, tính hiệu lực hiệu quả của tổ chức bộ máy.
“Bộ Nội vụ được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính phải làm nghiêm túc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải quán triệt nguyên tắc 1 đơn vị, 1 tổ chức có thể làm nhiều việc, 1 việc chỉ giao cho 1 đơn vị làm đầu mối chủ trì, đảm bảo tính sử dụng đội ngũ thực sự hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết thêm.
Chủ trương sắp xếp lại các bộ, ngành theo hướng khắc phục chồng chéo chức năng là nhiệm vụ rất cần thiết nhằm giảm gánh nặng ngân sách, tạo thuận lợi cho bộ máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài việc tinh gọn bộ máy hành chính vẫn phải đảm bảo ổn định chính trị và hiệu quả cho sự phát triển. Do vậy, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Hà Thảo/VOV1