Đó là những đánh giá-nhìn nhận khách quan sau nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên mọi mặt đời sống, trong đó kinh tế là “điểm sáng” - ấn tượng.
Thành tích ấn tượng của Việt Nam trong Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Năm 2016, Việt Nam mới chỉ xếp hạng 59. Năm 2017, xếp vị trí 47, Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng này. Đến năm 2018, chỉ số này tiếp tục được cải thiện - Việt Nam xếp thứ 45 - thứ hạng cao nhất lịch sử. Năm 2019, trong tổng số 129 nền kinh tế được đánh giá, “Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt” vì liên tục thăng hạng, lên vị trí 42. Và tới nay, dù trải qua một năm kinh tế đầy biến động, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn được duy trì trong tương quan 131 nền kinh tế.
Chính phủ điện tử - một chỉ số quan trọng trong xu hướng kinh tế số toàn cầu do Liên hợp quốc khảo sát, đánh giá và công bố nêu bật những thành tựu của Việt Nam thời gian qua. Liên Hợp Quốc xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 86 trên tổng số 193 quốc gia; tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbriok cho rằng: “Những tiến bộ này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thông tin, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp”.
Điện năng – một trong những cấu phần quan trọng của mỗi nền kinh tế, thể hiện mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh cũng đã trở thành một tiêu chí đánh giá từ phía Ngân hàng Thế giới. Cụ thể, nhóm nghiên cứu Doing Business của Worldbank đã khảo sát chỉ số Tiếp cận điện năng 2019 (được công bố vào năm 2020) cho thấy, Việt Nam thăng hạng vượt bậc - đạt 82,2 điểm, tăng 0,3 điểm so với năm trước - là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, báo cáo nhận định, chỉ số này sẽ có thể duy trì hoặc cải thiện trong năm nay.
Trong khi đó, Jones Lang LaSalle– Hãng cung cấp dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư uy tín thế giới công bố Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu sau khi đánh giá 99 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 163 khu vực, thành phố, dựa trên 210 tiêu chí, độ minh bạch của thị trường bất động sản, với “thành tích vàng” từ Việt Nam. Lần đầu tiên sau một thập kỷ, Việt Nam xếp hạng 56 toàn cầu, bước vào nhóm các nước bán minh bạch lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt nhất có lẽ là thông tin từ Báo cáo Thương hiệu Quốc gia 2020 được thực hiện bởi Hãng định giá thương hiệu nước Anh - Brand Finance. Cụ thể, năm 2020 nhờ xử lý tốt khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới (tăng 9 bậc) điều này đi ngược xu thế suy thoái toàn cầu. Giá trị thương hiệu Việt Nam đến thời điểm này xếp thứ 33 trên tổng số 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất toàn cầu.
Kế đến là Chỉ số quyền lực Châu Á năm 2020 với điểm sáng Việt Nam. Chỉ số này do Lowy - Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia công bố. Với việc tham gia hiệu quả các diễn đàn và sáng kiến thương mại khu vực, Việt Nam tăng một bậc so với năm trước – xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có Chỉ số quyền lực cao nhất Châu Á.
Để có được các thứ hạng này, các chuyên gia kinh tế như ông Craig Martin, Giám đốc danh mục đầu tư Vietnam Holding - Chủ tịch Dynam Capital cho rằng, “vinh quang đến từ các nỗ lực không ngừng nghỉ, khi Việt Nam vừa khống chế thành công dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển toàn diện kinh tế-xã hội”.
“Thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh, cùng với vị thế của mình, Việt Nam đã tạo nên một hiệu ứng lan toả tích cực. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư cũng cảm thấy an tâm và tự tin hơn. Chúng tôi cũng rất tin tưởng với sự tăng trưởng kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm sau” - ông Craig Martin nói.
Trên cơ sở đó, với 25 năm kinh nghiệm trong phân tích, dự báo kinh tế độc lập, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Anh quốc cho rằng, vào năm 2035, kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới – vượt Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, giúp Việt Nam có bước đà thuận lợi tiến tới vị trí này
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản nhận định tương tự: đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên mức trung bình; đến 2035 thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tương đương 11.000 USD; so với các nước trong khu vực, quy mô kinh tế sẽ chỉ xếp sau Indonesia.
Với bảng vàng thành tích đã đạt được trong một năm kinh tế đầy biến động, các chuyên gia cho rằng nếu từ cấp cao nhất tới từng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chủ quan-không nỗ lực duy trì đà tăng trưởng-không tích cực đổi mới sáng tạo. Nếu không tích cực đổi mới những tiềm năng, triển vọng vừa được các tổ chức quốc tế dự báo và nhận định sẽ khó đạt như kỳ vọng!
Thu Trang/VOV1