Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng sản phẩm. Chỉ tính năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị sản phẩm bán ra cũng tăng hơn 50%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia rất tích cực bán hàng trên TMĐT xuyên biên giới.
Không chỉ thế, doanh nghiệp Việt còn mang đến cho khách hàng trên khắp thế giới những sản phẩm "Made in Vietnam" độc đáo, từ hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, đồ nội thất, hạt điều hữu cơ đến đa dạng các sản phẩm có yếu tố bền vững. Ghi nhận trong vòng 12 tháng, tính đến ngày 31/8/2023, danh mục các ngành hàng Việt bán chạy nhất trên Amazon là các sản phẩm lợi thế, gồm nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.
Theo ý kiến của các nhà quản lý và đối tác TMĐT, việc bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT đã tạo bệ phóng cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần, thị trường kinh doanh trên toàn cầu. Đáng chú ý, không chỉ doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh vững chắc mở rộng thị trường mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), thậm chí cả doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp cũng phát triển và xây dựng được thương hiệu cho mình.
Nhận định về vấn đề này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt đầu tiếp nhận như là một phương thức để hội nhập vào nền kinh tế phẳng vì nó thực sự đem lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp và khách hàng. Có thể thấy, mỗi ngày có khoảng hàng tỉ đồng đơn hàng được đặt trên các trang TMĐT. Chỉ tính mỗi Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến hiện đang có mặt trên 22 thị trường khác nhau, là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận với tiệp khách hàng trên toàn cầu, với hàng triệu lượt mua hàng mỗi ngày.
Bà Lại Việt Anh cho rằng, đây không chỉ là động lực cho doanh nghiệp mà còn là động lực cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng về xuất khẩu. Bởi độ mở của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện gấp 2 lần tổng GDP của Việt Nam. Theo đó, chuyển đổi số trong kinh doanh thông qua TMĐT xuyên biên giới có vị trí quan trọng trong thương mại xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng về góc độ doanh nghiệp, theo bà Lại Việt Anh, việc phát triển TMĐT xuyên biên giới không thể nói về tốc độ tăng trưởng mà phải nói về phát triển bền vững, đó là cố gắng ứng dụng TMĐT để xây dựng được thương hiệu cho những sản phẩm của Việt Nam và đưa được những sản phẩm "Made in Vietnam" ra với thị trường toàn cầu, từ đó có thể khẳng định được vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu một cách bền vững.
Bà Tạ Hồng Diệp, Trưởng Ban kinh doanh dự án Amazon của Tập đoàn Thiên Long thừa nhận, thương hiệu là yếu tố then chốt để bán hàng thành công trên các sàn TMĐT xuyên biên giới. Vì vậy, với gần 42 năm hình thành và phát triển thương hiệu, kinh doanh theo mô hình truyền thống, trong đó có khoảng 7 năm thâm nhập TMĐT, nhưng đến năm 2023 thì Tập đoàn Thiên Long mới quyết định bán hàng cùng Amazon.
Theo bà Tạ Hồng Diệp, trong khoảng thời gian qua, Thiên Long đã chiếm khoảng 60% thị phần trong nước và đã xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, phương thức bán hàng chủ yếu vẫn là kinh doanh truyền thống, tức là kênh bán sỉ và kênh hiện đại, chẳng hạn như là siêu thị, nhà sách, cửa hàng tiện lợi… Đến năm 2016, khi TMĐT bắt đầu phát triển nóng ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thì Thiên Long nhận định đây là kênh phân phối sẽ chứng kiến sự bùng nổ và là kênh mua sắm ưa thích của giới trẻ.
“Vì vậy, Thiên Long đã tham gia vào TMĐT tại Việt Nam. Hiện nay, sau 7 năm bán trên kênh TMĐT, chúng tôi đã dẫn đầu về doanh số ngành văn phòng phẩm trên các sàn TMĐT lớn ở Việt Nam. Đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi nhận định đây là cơ hội chín muồi để mở rộng thị trường ở Bắc Mỹ thông qua kênh TMĐT xuyên biên giới và đã thành công”, bà Tạ Hồng Diệp chia sẻ.
Thay đổi tư duy để bứt phá
“Chuyển đổi số đang đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa và trong bối cảnh đó, TMĐT sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt qua TMĐT. Tuy nhiên, yếu tố then chốt là liệu các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN có sẵn sàng nắm bắt sự chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và xây dựng kế hoạch tăng trưởng bền vững hay không”, ông Gijae Seong nói.
Theo ông Gijae Seong, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia và trở thành mắt xích mới nổi của chuỗi cung ứng TMĐT toàn cầu nhờ lợi thế về năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Do đó, chỉ cần doanh nghiệp, doanh nhân Việt biết cách lựa chọn sản phẩm có tiềm năng tốt cùng tầm nhìn dài hạn về số hóa doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu toàn cầu thì có thể thành công và bền vững khi kinh doanh trên các TMĐT xuyên biên giới.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc khu vực miền Nam Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong 5 ngành hàng của Việt Nam bán chạy trên Amazon thì những sản phẩm nội thất, nhà cửa được làm từ gỗ, mây, tre, lá… được ưa chuộng nhất. Đây là những sản phẩm đến từ làng nghề truyền thống có thế mạnh của Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm lâu đời và nguồn nguyên liệu địa phương phong phú. Vì vậy, những sản phẩm này khi được doanh nghiệp Việt sản xuất và cung ứng ra thị trường toàn cầu đều được khách hàng ưa chuộng mua. Ngoài ra, dụng cụ làm đẹp như móng tay giả, lông mi giả cũng được khách hàng trên Amazon mua rất nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Trình, nhà sáng lập AGlobal, điểm yếu của doanh nghiệp Việt hiện nay là chưa thay đổi tư duy để có thể bứt phá bản thân. Bởi nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng, đã thành công kinh doanh ở thị trường nội địa nên chắc chắn sẽ thành công trên thị trường toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp vẫn áp dụng lối mòn mà không tìm hiểu thị hiếu của khách tại thị trường quốc tế; không xây dựng thương hiệu, không đăng ký sở hữu trí tuệ, không xin phép bản quyền khi sử dụng hình ảnh in ấn sản phẩm, không thay đổi mẫu mã, nâng cấp chất lượng… nôn nóng thành công và nhanh chóng thất bại khi bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT.
Nói một cách khác, bên cạnh sự hỗ trợ tư vấn, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng thị phần tìm kiếm khách hàng của các sàn TMĐT thì vẫn cần sự nỗ lực của doanh nhân, doanh nghiệp trong hành trình vươn ra biển lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không nên tập trung bán sỉ, dựa dẫm đối tác trung gian. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đa dạng và từ đó tạo dựng thương hiệu lâu dài, có chỗ đứng vững chắc khi tham gia TMĐT xuyên biên giới.
Nguồn TTXVN