Chiều nay (16/6), tại TP.HCM, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cùng Báo Tuổi trẻ và một số đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh, thúc đẩy phát triển xã hội”. Đây là hoạt động trong chương trình Ngày không tiền mặt 16/6/2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự hội thảo và phát biểu.
Thanh toán không tiền mặt bắt đầu từ cơ quan nhà nước
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, DN… đã thảo luận về vai trò và sự cần thiết của kết nối dữ liệu trong thanh toán thông minh, đồng thời làm rõ lợi ích, tìm kiếm thêm giải pháp để hướng đến xã hội không tiền mặt.
Trước đó, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở dữ liệu này, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023). Ngành ngân hàng đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã có trong Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021-2025.
“Tôi đánh giá cao ngành ngân hàng chủ động nghiên cứu, ban hành, đề xuất các cơ chế chính sách về chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM; đánh giá cao sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; sự đóng góp rất quan trọng của truyền thông, báo chí trong việc truyền tải, lan tỏa thông tin, xây dựng thói quen không dùng tiền mặt, giúp cho người dân hiểu rõ hơn lợi ích của TTKDTM”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Hiện nay, các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện chuyển đổi số cũng đã hình thành, xây dựng hệ thống dữ liệu, xúc tiến phát triển kinh tế số, trong đó có thúc đẩy TTKDTM. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên trong quá trình điều hành chính quyền luôn quan tâm, có sự chuẩn bị, có giải pháp để phát triển các xu hướng kinh tế số, thanh toán thông minh...phục vụ cho sự phát triển của thành phố.
TP.HCM đã bắt đầu từ các cơ quan nhà nước thực hiện TTKDTM như bảo hiểm xã hội, thuế, y tế, giáo dục và sẽ tăng cường hơn nữa. Thành phố đã có 30% dịch vụ công đã thực hiện trực tuyến mức độ 4 toàn trình. Tiểu thương và người dân thành phố đã ngày càng quen thuộc với TTKDTM…
“TP.HCM sẽ tập trung hơn nữa từ tuyên truyền, đề ra giải pháp, chính sách để thúc đẩy TTKDTM mạnh mẽ hơn. Thành phố hướng đến mục tiêu các cơ quan nhà nước TTKDTM, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn trình đạt tỷ lệ cao nhất. Hiện thành phố đã ban hành chiến lược dữ liệu làm nền tảng cho TTKDTM”, ông Phan Văn Mãi nói.
Kết nối của các ngành sẽ đem đến nhiều tiện ích
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, để tăng cường TTKDTM, quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường kết nối giữa các hệ thống, các ngành, các lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số để thanh toán thông minh ngày càng mở rộng và thông thoáng hơn. Các DN cũng cần gia tăng tiện ích, đổi mới, sáng tạo trong TTKTM cho người dân.
Đến thời điểm này, tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng, hiện Napas cũng mong muốn thực hiện tích hợp thanh toán dịch vụ giao thông công cộng trên thẻ Napas mà hầu hết người dân đều có, nhưng để làm được như vậy thì cần có sự kết nối và hỗ trợ từ ngành chức năng, từ hệ thống ngân hàng.
“Để các thẻ này đi vào cuộc sống rất cần sự phối hợp ở các cấp khác nhau, ví dụ cấp Bộ, ban, ngành cần kết nối giữa ngân hàng và ngành giao thông để thẻ ngân hàng có thể chấp nhận trong thanh toán dịch vụ giao thông. Đó là câu chuyện kết nối dữ liệu, chia sẻ lẫn nhau. Một mình Napas không thể làm được nên cần đồng hành với ngân hàng và ngân hàng phát hành thẻ”, ông Hùng bày tỏ./.
Minh Hạnh/VOV-TP.HCM