Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng,” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5.(Ảnh: CVT/Vietnam+)
Để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư.
Đây là nội dung chính được các đại biểu, diễn giả nêu ra và trao đổi tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng,” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Cùng với đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ghi nhận chất lượng, hiệu quả đang ngày càng gia tăng.
Hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, cho biết hội thảo này nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp phân tích, đánh giá về hiệu quả nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, để từ đó cùng những xu hướng và cơ hội đầu tư trong môi trường mới.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tại hội thảo, ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP), chia sẻ trong những năm qua, Việt Nam đã gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế không chỉ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn bởi sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng, cùng với nhiều biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Và, điều quan trọng lúc này là tiếp tục duy trì động lực và nhanh chóng chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.
Qua thời gian gắn bó với Việt Nam, ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giá đốc điều hành Tập đoàn AEON (Nhật Bản), phụ trách thị trường Việt Nam kiêm Tổng giám đốc AEON Vietnam, cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.
Theo ông Furusawa, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác cũng như Nhật Bản.
“Nhìn lại 11 năm qua, AEON đã đạt được những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng đến quy mô hiện có chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất,” ông Furusawa nói.
Ông Furusawa chia sẻ Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, ông mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách các thủ tục liên quan đến đầu tư để đơn giản hóa hơn...
Trong thời gian gần đây, năng lượng điện Mặt Trời áp mái đã trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Trong xu thế đó, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho rằng Chính phủ cần tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cụ thể, ông Kiên kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tăng nhằm cường nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có.
Theo ông Kiên, một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư.
“Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư,” ông Kiên nói./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)