Cách đây hơn 107 năm, Cách mạng Tháng Mười Nga làm rung chuyển thế giới, mở ra bước ngoặt mới trong đời sống chính trị, xã hội của nhân loại. Mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã có trong hiện thực và trở thành nguồn cổ vũ, soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập.
Và cũng từ đó, các nước đi theo con đường CNXH liên tục bị các thế lực thù địch công kích, chống phá, bẻ cong lịch sử, xuyên tạc giá trị nhân văn cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, xuyên tạc con đường đi lên CNXH của loài người. Chúng đưa ra lập luận rằng, Cách mạng Tháng Mười là sản phẩm lỗi thời của lịch sử. Việc đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười là sai lầm, không còn phù hợp.
Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, PGS.TS Trần Đăng Bộ, nguyên cán bộ Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự về nội dung này.
PV: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành mô hình xã hội trong hiện thực. Hay nói cách khác là Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh ra mô hình chủ nghĩa xã hội trong hiện thực. Đây có được coi là giá trị và tầm vóc vĩ đại nhất mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho nhân loại?
Đại tá Trần Đăng Bộ: Cách mạng Tháng Mười là sự kiện tầm vóc có ý nghĩa lịch sử vĩ đại và để lại những giá trị không thể phủ nhận mang sức sống bất diệt, xuyên thời đại. Cách mạng Tháng Mười đã đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế, xóa bỏ áp bức bóc lột, khởi đầu cho quá trình hiện thực hóa tư tưởng và sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người.
Điển hình cho đến ngày nay, sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam, Cuba, Trung Quốc và một số nước khác cũng đang kiên trì con đường này. Nhiều quốc gia, dân tộc có chủ quyền cũng đang nỗ lực xây dựng xã hội theo mô hình xã hội XHCN.
Vì sao lại xuất hiện xu hướng này trong giai đoạn hiện nay, điều đó chỉ có thể giải thích rằng, chính những giá trị, những thành tựu nổi bật của một thế kỷ xây dựng CNXH hiện thực là sức hấp dẫn mạnh mẽ nhất, để thu hút nhiều quốc gia lựa chọn con đường phát triển, đó là xã hội XHCN.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những thành tựu của CNXH trong hiện thực?
Đại tá Trần Đăng Bộ: Ví dụ Trung Quốc liên tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 30 năm qua và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành đối tác tin cậy của các nước. Cuba kiên định và sáng tạo trong sự ủng hộ, trong sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè năm châu. Ở Mỹ Latinh, CNXH đang trở thành động lực thu hút tập hợp lực lượng lớn lao nhất, không phải là tia hy vọng mỏng manh, trìu tượng mà đã là niềm tin của nhân dân lao động đang cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng CNXH.
Có thể nói, Cách mạng Tháng Mười không chỉ là giải pháp mở đường cho nước Nga, mà nó còn phổ biến tất yếu đối với sự phát triển của nhiều quốc gia khác, bằng việc xây dựng một chế độ hoàn toàn mới trong lịch sử. Đó là xã hội không còn người bóc lột người.
PV: Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một mô hình xã hội hoàn toàn mới đó là mô hình CNXH đã thành hiện thực. Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển đỉnh cao, thậm chí có thời điểm Liên Xô đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới, thì sau đó mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã đi vào thoái trào và dẫn đến sụp đổ vào năm 1991. Cũng do đó, mà có quan điểm lập luận cho rằng, Cách mạng Tháng Mười là một sai lầm của lịch sử…Ông nghĩ sao về lập luận này?
Đại tá Trần Đăng Bộ: Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, dưới thời Lênin cũng đã có rất nhiều thế lực xuyên tạc các thành tựu của Cách mạng Tháng Mười và đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, sau khi Liên Xô tan rã, nhiều chính trị gia phản động xét lại, cơ hội chính trị đã coi Cách mạng Tháng Mười Nga là một sai lầm của lịch sử. Đây có thể nói là một xu hướng trong vài thập kỷ gần đây.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, chỉ có tính ưu việt của chế độ XHCN Xô Viết mới giải quyết được những vấn đề cốt lõi nhất trên quy mô toàn thế giới. Chỉ tiếc rằng, để củng cố thành tựu, chủ nghĩa xã hội cần phát triển đi vào chiều sâu, điều về mặt nhận thức khi đó đã quá rõ ràng, song sự chậm trễ trong việc phát hiện và khắc phục thiếu sót, khuyết tật của CNXH khi đó đã làm cho CNXH hiện thực lâm vào khủng hoảng, ngay khi sự phát triển của nó đạt đến đỉnh cao.
Sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô như một hồi chuông cảnh tỉnh, những người XHCN và các đảng cầm quyền của mình phải tìm kiếm nhận thức mới, nội dung mới để xây dựng CNXH.
PV: Theo ông, vì sao Cách Mạng Tháng Mười lại luôn bị các thế lực xuyên tạc, bóp méo, hạ bệ, nhiều đối tượng còn đòi xét lại lịch sử, xét lại tính chất của Cách mạng Tháng Mười. Mục đích của những đối tượng này muốn hướng tới là gì?
Đại tá Trần Đăng Bộ: Dưới góc độ nghiên cứu, tôi thấy rằng, nếu cho rằng Cách mạng Tháng Mười là một sai lầm của lịch sử, là một cuộc cách mạng đẻ non thì đấy chỉ là một sự xuyên tạc, không thừa nhận thực tiễn. Bởi vì cho đến hiện nay, nhân loại vẫn đang lựa chọn con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã chỉ ra. Thế còn họ nói như vậy là họ tiếp tục gây khó khăn, không muốn cho chúng ta thực hiện được mục tiêu cuối cùng là xây dựng CNXH.
Bởi trên thực tế, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có những thế lực thù địch chặn đường sự phát triển của CNXH. Họ không muốn ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười tiếp tục phát triển. Đến sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống các nước CNXH ra đời, trở thành đối trọng với hệ thống TBCN. Trên thực tế, nhiều nước tư bản chủ nghĩa, kể cả các nước đang phát triển họ cũng vận dụng, họ cũng kế thừa những tinh hoa của Cách mạng Tháng Mười. Nhưng họ không muốn chúng ta làm theo điều đó. Đó là những điều mà chúng ta cần cảnh giác.
PV: Noi theo Cách mạng Tháng Mười, đi theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, chúng ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH?
Đại tá Trần Đăng Bộ: Cách mạng Tháng Mười Nga có tác động sâu sắc đến cách mạng Việt Nam, hay nói cách khác đó là mối quan hệ giữa Cách mạng Tháng Mười Nga với những thắng lợi của Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Như chúng ta đã biết, vào những năm 20 của thế kỷ XX, trong lúc mà cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đang gặp khó khăn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác – Lê nin, ở Cách mạng Tháng Mười như một cẩm nang thần kỳ của con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.
Những người yêu nước Việt Nam khi đó tựa như người đi đường đang khát nước mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn. Từ tình cảm đến niềm tin khoa học, từ chủ nghĩa yêu nước đến CNXH là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải nghiệm nhiều năm, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra từ năm 1917.
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nêu tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh, giành độc lập tự do và lựa chọn con đường phát triển tiến bộ cho đất nước. Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng là sản phẩm từ chính giá trị nhân văn xuyên thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga.
PV: Kể từ Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay, CNXH đã tồn tại qua hơn 100 năm và tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong đời sống chính trị, xã hội của nhân loại. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, tiền đồ tươi sáng của CNXH, thưa ông?
Đại tá Trần Đăng Bộ: Sự thất bại hay biến dạng của CNXH ở nơi này, nơi khác, không phải là do Cách mạng Tháng Mười Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga không chịu trách nhiệm về những sai lầm chủ quan của các nhà lãnh đạo sau đó.
CNXH từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga đang có xu hướng tiến lên phía trước, tuy phải trải qua những con đường quanh co, phức tạp, thậm chí có những bước thụt lùi. Nhưng đó là những bước thụt lùi tạm thời phải chấp nhận. Bất chấp những dự báo bi quan hoặc lạc quan, ác ý hoặc thiện cảm, có thể khẳng định rằng, CNXH vẫn tiếp tục chặng hành trình của mình, thậm chí có những hành trình táo bạo đầy thử thách, lý tưởng CNXH là bất diệt, là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ vẫn đang hướng tới.
PV: Xin cảm ơn ông!