Tháng 11/1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam thông qua Cương lĩnh ruộng đất. Căn cứ tình hình thực tế cần động viên cao nhất tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cải cách ruộng đất
Để chuẩn bị tinh thần phát động quần chúng thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều phát biểu thể hiện quan điểm của Người trong thực hiện một trong hai nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Trong bài nói tại Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc, ngày 05/02/1953, Người nói: “Các nước dân chủ mới như Trung Quốc, Triều Tiên và các nước dân chủ Đông Âu đều chia ruộng đất cho dân cày. Nội dung cách mạng dân chủ căn bản là giải phóng cho nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân”.
Tháng 3/1953, trong bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá 2, Người tiếp tục chỉ rõ quan điểm phải tiến hành cải cách ruộng đất, xem đó là một động lực để đưa kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi: “Kháng chiến tức là cách mạng, muốn kháng chiến thắng lợi thì phải có chính sách ruộng đất đúng.
Ta có tán thành kháng chiến thắng lợi không?
Đã tán thành kháng chiến thắng lợi thì phải tán thành chính sách ruộng đất. Không có nước đôi.
Phải thực hiện cho kỳ được chính sách ruộng đất. Phải dứt khoát. Không được đứng chông chênh”.
Tiếp đó, trong bài nói chuyện ở lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá 3, ngày 10/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: cải cách ruộng đất sẽ phát huy được sức mạnh của giai cấp nông dân. Người nói: “Ta còn khuyết điểm trong việc thi hành chính sách ruộng đất. Ai đi bộ đội nhiều nhất? Nông dân. Đóng thuế ai hăng hái nhất? Nông dân. Dân công, ai đi nhiều nhất? Nông dân. Tóm lại, đại đa số nông dân tham gia kháng chiến. Thế mà nông dân vẫn bị đói khổ, vẫn bị địa chủ bóc lột tô tức.
Cho nên năm nay Đảng, Chính phủ quyết tâm phát động quần chúng triệt để thi hành chính sách ruộng đất. Ta phải hiểu rằng cách mạng của ta là dân tộc dân chủ nhân dân, thực chất là cách mạng nông dân, mà cách mạng nông dân tức là cách mạng ruộng đất. Ba cái đó đi với nhau. Muốn kháng chiến thắng lợi phải thi hành chính sách ruộng đất. Trái lại, không tán thành chính sách ruộng đất tức là không kháng chiến, tức là không tán thành cách mạng. Tán thành đây không phải tán thành miệng mà phải thực sự tham gia thực hiện chính sách ruộng đất, đảng viên, cán bộ phải gương mẫu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con nông dân, cuối năm 1953 (Ảnh tư liệu)
Trong bài “Phát động quần chúng”, đăng trên báo Nhân dân, số 113, từ ngày 21 đến 25/5/1953, Người viết: “Trong cuộc hội họp ở xã L., người đến tham gia rất đông, gái, trai, già, trẻ đều có. Anh B., cán bộ Nông hội, là một bần nông, giải thích chính sách như sau:
"- Ai phát? - Cán bộ Đảng và Chính phủ phải phát.
- Ai động? - Nông dân lao động phải động.
- Ai là quần chúng? - Bần nông, cố nông, trung nông là quần chúng.
- Phát thế nào? - Phải đoàn kết và tổ chức nông dân, làm cho nông dân tự giác, tự nguyện đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi của mình.
- Động thế nào? - Phải theo thật đúng chính sách của Đảng, của Mặt trận, của Chính phủ mà đấu tranh, không rụt rè, lay động. Cũng không hấp tấp vội vàng.
- Đấu ai? - Đấu cường hào gian ác. Đấu Việt gian, phản động. Đấu những địa chủ không làm đúng chính sách ruộng đất của Chính phủ.
- Muốn phát động phải thế nào? - Phải chuẩn bị đầy đủ, tức là: Đại đa số nông dân đã yêu cầu; Nông hội đã tổ chức chặt chẽ; có đủ cán bộ để lãnh đạo; Trung ương đồng ý, mới được phát động”.
Dự báo cuộc đấu tranh giai cấp sẽ gay go phức tạp, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: "Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng nông dân, một cuộc giai cấp đấu tranh ở nông thôn, rất rộng lớn, gay go và phức tạp, cho nên chuẩn bị phải thật đầy đủ, kế hoạch phải thật rõ ràng, lãnh đạo phải thật chặt chẽ, địa điểm phải định cẩn thận, thời hạn phải nắm chắc chắn, thi hành phải thật đúng đắn, đó là những điều kiện để đi đến thành công".
Trong thư gửi cụ Hồ Văn Quân, một nông dân ở xã Nghi Thuận, huyện nghi Lộc, Nghệ An, đăng trên báo Nhân dân, số 151, từ ngày 01 đến ngày 05/12/1953, Người viết: “Tôi chắc rằng đến ngày thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, cụ sẽ được sung sướng thanh nhàn hơn”.
Báo cáo trước Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 01/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phiên họp đặc biệt này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo công việc kháng chiến mấy năm qua, và sẽ thảo luận chính sách cải cách ruộng đất và thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Chỉ có thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến, mới có thể chấm dứt tình trạng bần cùng và lạc hậu của nông dân, mới có thể phát động mạnh mẽ lực lượng to lớn của nông dân để phát triển sản xuất và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Mục đích cải cách ruộng đất là: tiêu diệt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
Đường lối chính sách chung là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến từng bước và có phân biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến”.
Trong Thơ chúc Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, đăng trên báo Nhân dân, số 163, từ ngày 01 đến 05/02/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to”.
Chủ trương cải cách ruộng đất trong kháng chiến cho thấy quyết tâm của Đảng đem ruộng đất về cho dân cày, thực hiện một trong những mục tiêu và khẩu hiệu được đề ra từ năm 1930, đáp ứng nguyện vọng thiết tha nhất từ nghìn đời của nông dân, giai cấp chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội Việt Nam. Quyết tâm đó được nhân lên trong bối cảnh cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết định, cần phải có những chính sách để động viên cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong một hội nghị, năm 1953 (Ảnh tư liệu)
Tiến hành cải cách ruộng đất trong kháng chiến
Từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1954, Đảng lãnh đạo nông dân tiến hành năm đợt giảm tô, một đợt thí điểm và một đợt cải cách ruộng đất.
Từ tháng 4 đến tháng 8/1953, đợt phát động quần chúng triệt để giảm tô đầu tiên được tiến hành tại 22 xã thuộc Liên khu Việt Bắc và Liên khu 4. Đợt thứ hai được mở rộng trong phạm vi 162 xã thuộc 10 tỉnh Liên khu Việt Bắc và Liên khu 4. Các đợt giảm tô tiếp theo được tiến hành rộng rãi hơn. Tổng cộng, các địa phương vùng tự do đã tiến hành năm đợt giảm tô trong phạm vi 830 xã.
Cùng với phát động giảm tô, ngày 25/12/1953, cải cách ruộng đất được thực hiện thí điểm tại 6 xã Hùng Sơn, Độc Lập, Trần Phú, Tân Thái, An Mỹ, Bình Thuận thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên .
Tiếp đó, ngày 25/04/1954, đợt 1 cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên được tiến hành tại 47 xã thuộc các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình. Tại 6 xã thuộc huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), đợt 1 cải cách ruộng đất bắt đầu diễn ra từ ngày 25/5/1954.
Việc thực hiện triệt đổ để giảm tô cải cách ruộng đất đang diễn ra tại một số địa phương thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi và tiếp tục được thực hiện sau khi miền Bắc được giải phóng.
Tác động tích cực và hạn chế, sai lầm của cải cách ruộng đất trong kháng chiến
Thực hiện cải cách ruộng đất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã tiến thêm một bước trong việc xóa bỏ hình thức chiếm hữu ruộng đất phong kiến, mang lại ruộng đất cho nông dân lao động, giải phóng lực lượng sản xuất khỏi sự trói buộc của quan hệ sản xuất đã quá lạc hậu. Cải cách ruộng đất trong giai đoạn này mới thực hiện được ở một số địa phương thuộc vùng tự do, nhưng bước đầu đã mang lại một bầu không khí chính trị mới, có tác dụng động viên cao độ tinh thần kháng chiến của nông dân và bộ đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung.
Tuy nhiên, trong phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất, Đảng ta đã bộc lộ một số sai lầm khuyết điểm về phương thức tiến hành, như không quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nêu rõ trong Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng tháng 11/1953, và một lần nữa nhắc lại trong bản Báo cáo trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 01/12/1953.
Trong quá trình thực hiện, đã không chấp hành đúng nguyên tắc tổ chức của Đảng, tổ chức cơ quan cải cách ruộng đất theo hệ thống riêng với quyền hạn quá lớn, không thực hiện đúng đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn là dựa hẳn vào bần, cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông, phân biệt và có chính sách đối xử phù hợp với các loại địa chủ. Số người bị quy sai thành phần là địa chủ, phú nông chiếm tỷ lệ lớn. Chẳng hạn trong thí điểm cải cách ruộng đất tại 6 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên, đã quy sai 9 người là địa chủ, cường hào gian ác, tỷ lệ quy sai là 40,9%, địa chủ thường cũng bị quy sai tới 41/74 người, chiếm 55,4%.
Trong đấu tranh, nặng về sử dụng biện pháp đấu tố tràn lan không thực sự phát động quần chúng, phân hóa địa chủ và tập trung đấu tranh chống địa chủ phản động, ngoan cố; không dựa vào pháp luật và mệnh lệnh của chính quyền; đánh giá không đúng bản chất cách mạng của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên ở nông thôn, dẫn đến sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, còn áp dụng máy móc kinh nghiệm của nước ngoài.
Những sai lầm nói trên đã xảy ra từ đầu, nhưng lại thiếu sự kiểm tra và giám sát của Trung ương, nên không sớm phát hiện để ngăn chặn và sửa chữa kịp thời.
Nguyên nhân của những hạn chế, sai lầm
Những sai lầm trong triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp do chưa nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, cụ thể là vừa phải thực hiện tốt chủ trương cải cách ruộng đất, vừa củng cố vững chắc mặt trận đại đoàn kết dân tộc.
Chúng ta đã không thấy một cách toàn diện và đúng mức những sự thay đổi về lực lượng so sánh giữa các giai cấp trong nông thôn nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám và không vận dụng những cách thức đã đạt hiệu quả tốt trong quá trình trình thực hiện chính sách ruộng đất tại nhiều địa phương khi quyết định chủ trương cải cách ruộng đất, như chính sách “hiến điền” đã thực hiện tại Nam Bộ và Liên khu 5. Việc thực hiện từng bước chính sách ruộng đất của Đảng từ năm 1945 đến năm 1952 đã làm thay đổi diện tích ruộng đất do địa chủ chiếm hữu. Tại một số địa phương khi thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, giai cấp địa chủ chỉ còn chiếm hữu diện tích ruộng đất không lớn, thậm chí khá thấp. Chẳng hạn tại Thanh Hóa, theo kết quả điều tra tại 39 xã tiến hành cải cách ruộng đất, năm 1945, địa chủ chiếm 3,1% số hộ và 30% ruộng đất, đến năm 1953, địa chủ chỉ còn chiếm 2,1% số hộ và 11,3% ruộng đất. Như vậy, thực chất số hộ là địa chủ cũng như số ruộng đất họ đang chiếm hữu là rất thấp, không cần thiết phải tiến hành cải cách ruộng đất như đã làm.
Lê Minh