Thực tế hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp, bởi nó góp phần quan trọng vào việc phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học đang gây ra những hệ lụy tiêu cực. Đơn cử, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều loại nông sản xuất khẩu của nước ta bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hường đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ… bên cạnh yêu cầu khắt khe về nhãn mác, bao bì... cũng đã đưa ra hàng loạt quy định nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm cũng như thắt chặt quy định kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu.
Để vượt qua hàng rào kỹ thuật này, giải pháp tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm dần thuốc hóa học trong sản xuất được xem là sự lựa chọn thông minh và tất yếu. Bên cạnh đó, với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, Bộ NN-PTNT đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký lên 30%, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt 20%. Để hoàn thành mục tiêu, ngành nông nghiệp cần nỗ lực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học giúp nông sản cải thiện chất lượng rõ ràng về tỷ lệ chất xơ, vitamin, độ ngọt. Ảnh: Internet
Thời gian qua, nhiều mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học với diện tích lớn tại các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh được đánh giá đạt hiệu quả cao. Mặc dù hiệu lực của thuốc chỉ đạt từ 50-60% nhưng các sản phẩm nông sản như rau xanh, cà chua, dưa chuột, cây ăn quả… lại cải thiện chất lượng rõ rệt nhất là về tỷ lệ chất xơ, vitamin, độ ngọt. Nhờ vậy, giá bán của các sản phẩm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với các sản phẩm canh tác bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết, xu thế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện nay phần lớn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.
Mô hình trồng rau thông minh bằng các chế phẩm sinh học tại Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Nhandan.com
Hầu hết sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài về gia công sản xuất ở trong nước, phụ thuộc nhiều vào bản quyền sở hữu, công nghệ sản xuất, giá thành sản phẩm cũng như tính ổn định của sản phẩm. Hằng năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 15 nghìn tấn, sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 5 nghìn tấn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt tay sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tuy nhiên, việc sản xuất mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học có quy mô công nghiệp lớn.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Bộ NN-PTNT cần rà soát, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký các thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đơn giản hóa các quy định trong đăng ký như rút ngắn quy trình cấp giấy phép khảo nghiệm, giảm chi phí đối với xin cấp giấy phép khảo nghiệm, giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học với mức 0%.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn, cho thuê đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật sinh học; bổ sung, ưu tiên các chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất; hỗ trợ, khuyến khích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản, tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao, yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước./.
Theo VietQ