“Chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là giày xéo lên lợi ích cá nhân”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn nhiều và đặc biệt chú ý phòng, chống căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là một “loại giặc” ẩn nấp trong mỗi người, là một thứ “bệnh mẹ”, đẻ ra vô vàn tật bệnh và những thói hư tật xấu khác, dễ làm tha hoá, biến chất người cán bộ, đảng viên.
Chủ nghĩa cá nhân là ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, mà chỉ thường lo cho lợi ích của riêng mình; tham danh lợi, suy bì tỵ nạnh, tự cao tự đại, kiêu ngạo, kéo bè kéo cánh, … “chỉ biết mình béo mặc thiên hạ gầy”, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Chống chủ nghĩa cá nhân là một cuộc cách mạng. Theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, muốn xây dựng thành công xã hội mới, thì phải kiên quyết đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ dạy tất cả cán bộ, đảng viên một mặt phải luôn cảnh giác phòng, chống chủ nghĩa cá nhân ngay chính trong con người mình và ở đồng chí mình, mặt khác, khi đã phát hiện thì phải kịp thời và kiên quyết chữa trị triệt để.
Nêu cao tinh thần này, hiện nay, Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm phòng chống sự tha hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; trong phòng, chống căn bệnh tham ô, tham nhũng, tiêu cực đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai - giúp “cơ thể Đảng” luôn trong sạch, vững mạnh.
Dẫn lại lưu ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là "giày xéo lên lợi ích cá nhân", PGS.TS Đỗ Xuân Tuất – Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh rằng, Bác rất coi trọng lợi ích chính đáng của từng con người cụ thể. Ngay trong Di chúc, Bác nói trước hết về con người, về quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đề cao dân chủ,… Người rất tôn trọng nhân dân và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhân dân, lợi ích của mỗi cá nhân.
“Chúng ta cần vận dụng đúng đắn và vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để làm sao chăm lo tốt hơn nữa đời sống nhân dân, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người; truyền được cảm hứng và khát vọng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện, đồng bộ, sâu sắc, trong đó có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường, trở thành một nước phồn vinh và hạnh phúc” – ông Đỗ Xuân Tuất cho biết.
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng và xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Và cũng theo quan điểm của Bác: "Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”.
Do đó, để khơi gợi được tiềm năng to lớn trong mỗi người dân, tạo điều kiện, khuyến khích mỗi người được phát huy những sở trường, thế mạnh, cũng như đảm bảo được những lợi ích chính đáng thì mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng môi trường dân chủ, công bằng, tiến bộ, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến. Trong đó, khuyến khích và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khuyến khích mọi cá nhân làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo.
Cần biến khát vọng làm giàu chân chính trở thành ý chí thường trực
Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Xuân Tuất cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cán bộ, đảng viên không chỉ nêu gương về rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, phong cách, tác phong làm việc, mà cần phải nêu gương về tư duy, phương cách làm giàu hợp pháp.
Theo ông, để xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân trước hết phải có khát vọng thoát đói nghèo, trở nên giàu có về vật chất, vui vẻ về tinh thần. Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phải luôn quan tâm chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Trách nhiệm của mỗi người dân, trong đó có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu càng phải quan tâm đến vấn đề “dân giàu, nước mạnh”.
“Khát vọng làm giàu chính đáng không chỉ là khát vọng của một cá nhân nào mà phải thôi thúc trở thành khát vọng của cả dân tộc thì mới đưa tới thắng lợi to lớn hơn nữa của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh”.
PGS.TS Đỗ Xuân Tuất nói như vậy và nhấn mạnh, mọi công dân đều có quyền làm giàu chính đáng và được thụ hưởng đầy đủ những thành quả của công cuộc đổi mới. Phải biến khát vọng làm giàu chính đáng trở thành ý chí thường trực trong tâm trí mỗi người, khát vọng đó cũng phải cháy bỏng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, người cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, trở thành một tấm gương sáng thì sức lay động, lan toả sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mà Đảng ta lãnh đạo thời gian qua rất thành công. Đó là một trong những tiền đề và động lực thôi thúc chúng ta tiếp tục vươn lên trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, đã giàu có lại càng giàu có hơn. Và đương nhiên, tư duy và hành động làm giàu ở đây phải là làm giàu một cách chân chính, chứ không phải bất chấp tất cả mà vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm giàu bất hợp pháp. Chúng ta không cho phép bất cứ ai làm giàu phi pháp, chà đạp lên mồ hôi, công sức của đồng bào để vun vén lợi ích cá nhân” – ông Đỗ Xuân Tuất nhấn mạnh.
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 -CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho rằng, cần nâng cao nhận thức không chỉ đối với từng cán bộ, đảng viên mà trong từng tổ chức của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và mỗi người dân; cần nhận thức sâu sắc vai trò hết sức to lớn, nội dung, giá trị, sức sống thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhận thức càng sâu sắc thì càng tạo ra nền tảng vững chắc để hành động một cách tự giác, đưa việc học tập và làm theo Bác trở nên thiết thực hơn, trở thành động lực mạnh mẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng cán bộ, đảng viên và trong mỗi người dân.
Để việc học tập và làm theo Bác một cách thực chất, mỗi tổ chức và cá nhân cần phải xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, xác định những vấn đề quan trọng, nổi cộm, bức xúc để thay đổi, hướng tới những điều tốt đẹp, gắn với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Phải lựa chọn được những vấn đề trọng tâm để tạo ra sự đột phá trong đổi mới và phát triển, hướng vào giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm, phức tạp, kiên quyết sửa chữa những sai phạm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên với quan điểm đã trị, đương trị và sẽ trị, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đặc biệt đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Bởi vì nêu gương luôn có sức mạnh vô cùng to lớn, sức mạnh của sự dẫn dắt, của truyền cảm hứng, và sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”- ông Đỗ Xuân Tuất nhấn mạnh./.
Kim Anh/VOV.VN