Tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp 4, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên kết quả thực hiện tình hình KTXH 9 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả, hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng.
Trong đó, tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, người lao động còn thấp. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Theo thống kê có hơn 39.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc trong hơn 2 năm.
Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo.
Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2023.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" - ông Thông nói.
Đại biểu phân tích có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này đó là: Chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bởi "đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai".
Hay như áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng đến thời điểm sau kiểm tra thì lại sai. Một trong những vấn đề dễ sai nhất là đó là xác định giá đất. Có nhiều dự án lớn, rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư.
Tiếp đó, đại biểu cho rằng, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm đã có chủ trương nhưng chưa được cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này khiến cán bộ ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng rất lớn
Phát biểu tranh luận với Thông, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện tượng cán bộ, công chức, đùn đẩy, né tránh ảnh hưởng rất lớn trong việc triển khai nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hạ, nếu chỉ nói do vướng mắc bởi chính sách pháp luật là chưa đủ. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, đại biểu cho hay, cái chính là do con người, do khẩu tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)
Qua tiếp xúc cử tri và tìm hiểu, đại biểu Tạ Văn Hạ phân tích có 3 trường hợp liên quan tới vấn đề này. Đó là, có tình trạng cán bộ có năng lực hạn chế, có tình trạng sợ sai, không dám làm. Thứ hai đó là với cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế, có chuyện nghe ngóng, né tránh. Thứ ba là có tình trạng trước đây làm không đúng, làm ẩu nên bây giờ làm đúng sẽ phát sinh những vấn đề trước đây đã làm, nên bây giờ làm cầm chừng, hạn chế.
Do vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt. "Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt triển khai, họp ngày họp đêm nhưng ở dưới với tư tưởng này cần chấn chỉnh lại tình trạng này càng sớm, càng tốt để không ảnh hưởng tới chất lượng và công tác phục vụ nhân dân", ông Hạ nói.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá
Cùng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đã chỉ ra cụ thể các nguyên nhân cho tình trạng nghỉ việc, bỏ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng thời gian qua.
Theo đại biểu đoàn Kon Tum, thứ nhất đây là xu hướng không chỉ ở nước ta mà một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng chứng kiến xu hướng chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công. Thứ hai, những người ra khỏi khu vực công vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội. Thứ ba, tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc khi thực tế cho thấy tiền lương và thu nhập trong khu vực công thường thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài cũng như thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập bởi ràng buộc của khu vực pháp lý. Các quy định này thường có độ trễ so với yêu cầu của thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Chính phủ.
"Tuy nhiên nếu coi đây là căn nguyên duy nhất của vấn đề thì có lẽ cũng chưa hẳn bởi có nhiều cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc không phải chỉ vì thu nhập thấp mà bởi áp lực bởi công việc quá lớn. Đối với nhiều người trẻ thì họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một việc làm ổn định trong khu vực công", ông Tám đánh giá.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
Từ vấn đề nêu trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị một số giải pháp để khắc phục tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công. Thứ nhất là cần thực hiện cải cách mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc; xử lý hợp lý các vấn đề về bộ máy và biên chế để khắc phục áp lực công việc; bổ sung hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc, cơ chế chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Thứ hai là hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức. Thứ ba là quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ công chức, viên chức bằng cơ chế lương thích hợp, linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Cuối cùng là cụ thể hoá, kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
Nguồn VTV