Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ ý kiến về các nội dung liên quan việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, báo cáo kết quả giám sát đã thể hiện rất đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cùng những nghị quyết về dự án trọng điểm quốc gia. Đối với Nghị quyết số 43/2022/QH15, về cơ bản đại biểu nhận định các chính sách đều phát huy được tác dụng.
“Trong những chính sách phát huy được hiệu quả, tôi rất ấn tượng đối với hai chính sách: giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng chính sách. Hai chính sách này đã giúp cho các đối tượng được thụ hưởng vượt qua được khó khăn và trở lại hoạt động bình thường”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong số những chính sách đề ra trong Nghị quyết cũng có những chính sách chưa phát huy được hết hiệu quả. Bảy chính sách có định lượng được thể hiện trong Nghị quyết, có những chính sách chưa thực sự phát huy được hiệu quả, minh chứng như chính sách liên quan đến hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại; chính sách liên quan đến sử dụng quỹ viễn thông công ích; chính sách về giải ngân cho các dự án đầu tư phát triển chưa đạt được như kỳ vọng, chỉ đạt được khoảng 50-60%.
Theo đại biểu, sau khi thảo luận về báo cáo kết quả giám sát, Quốc hội có thể sẽ thông qua một nghị quyết để làm cơ sở cho Chính phủ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Liên quan đến các dự án quan trọng quốc gia, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc thù đã có tác dụng tích cực, giúp tiến độ các dự án được đẩy nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế, trong đó có việc tổ chức triển khai, bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Về các bài học mà báo cáo giám sát nêu ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ tâm đắc với bài học về thiết kế chính sách phải mang tính chất phù hợp với thực tiễn và nguồn lực được hấp thu trong giai đoạn áp dụng chính sách đặc thù. Khi áp dụng chính sách đặc thù, không phải thay thế hệ thống pháp luật đã ổn định mà chỉ giúp cho chính sách pháp luật được thực hiện ở ngay thời điểm mong muốn, như Nghị quyết số 43/2022/QH15 chỉ cho áp dụng trong 2 năm và sau 2 năm lại trở về hệ thống pháp luật thông thường. Và trong trường hợp nếu áp dụng cơ chế đặc thù có hiệu quả, cần tổng kết đánh giá để sửa luật trong hệ thống pháp luật sau này, đồng thời tránh việc sử dụng cơ chế đặc thù trong quãng thời gian quá dài.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đánh giá cao việc hệ thống chính trị các cấp, địa phương nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian qua và hiện nay đã nhìn thấy kết quả rất tích cực, đó là sau đại dịch, kinh tế được phục hồi; so sánh với nền kinh tế trên thế giới, con số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng. Trong thời gian tới, đại biểu bày tỏ tin tưởng với việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 sẽ tạo ra một đà cần thiết để tiếp tục thực hiện các nghị quyết cũng như chế độ chính sách phát triển kinh tế-xã hội khác.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những chính sách được Quốc hội giám sát vừa qua cũng như được các đại biểu Quốc hội chia sẻ trên nghị trường sẽ giúp cho việc thực hiện chính sách trên thực tiễn phát huy hiệu quả hơn; đồng thời bày tỏ tin tưởng việc gia hạn miễn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất, thuế VAT sẽ hỗ trợ cho thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra.
V.Đ (TTXVN)