Câu chuyện một bộ phận cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ tiếp tục làm nóng nghị trường kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV mới đây. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ lại tâm lý của không ít cán bộ nói rằng, “bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm".
Đây là câu chuyện không mới, trước đó ở kỳ họp thứ 2, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Hoàng Anh Công, đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng từng nêu ra câu chuyện ở nhiều địa phương trong thời gian phòng chống dịch, vì sợ làm sai nhiều nơi ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị vật tư y tế.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cảnh báo về tình trạng này và gọi đó là “virus sợ trách nhiệm”. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và 5 tháng đầu năm mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra những khó khăn đất nước đang phải đối mặt, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Nêu quan điểm về câu chuyện này, ông Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng, nên đưa những cán bộ đó ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Cán bộ sợ sai hãy dẹp sang một bên
PV: Ông nghĩ gì khi nhiều cán bộ có tâm lý “làm việc gì cũng sợ sai, thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm….”?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Cán bộ biết sợ là tốt, như vậy sẽ không có chuyện hàng trăm cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố; nhưng sợ đến mức không dám làm gì vì sợ sai, sợ trách nhiệm; không dám làm gì vì không biết làm như thế đúng hay sai, thì nên đưa những cán bộ đó ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Khi nhận nhiệm vụ không có vị nào không hứa sẽ tận tâm, tận lực để cống hiến. Rồi Luật Cán bộ công chức, các luật chuyên ngành cũng quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ công chức nói chung, vậy mà cán bộ nói sợ trách nhiệm, nói “không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, hay “không biết làm sai ở chỗ nào” như vậy là không thể chấp nhận được. 100% cán bộ trước khi được đề bạt làm quản lý đều đã được học và tốt nghiệp khóa quản lý hành chính, như vậy cán bộ chỉ cần làm cho dân, phục vụ lợi ích của dân thì sao có thể làm sai được.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố rất rõ “ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Tương tự trong thực thi công vụ cũng vậy, tôi thấy cũng cần quán triệt thông điệp này của Tổng Bí thư.
Không phải ngẫu nhiên người ta đưa một vận động viên bóng chuyền sang làm vận động viên bóng đá, điều đó có nghĩa những vận động viên đó từng trưởng thành ở lĩnh vực đó. Câu chuyện ở đây theo tôi là cố tình không biết.
Cán bộ không dám làm hay im lặng, nghĩa là thiếu trách nhiệm, có thể hiểu là anh không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật chứ không phải không hiểu luật. Luật ở đây là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và những nhiệm vụ phải làm được thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật chứ không tách rời với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh, hơn nữa anh lại trưởng thành từ cơ sở.
Căn nguyên vẫn là đạo đức của cán bộ
PV: Đã có nhiều quan điểm chỉ ra nguyên nhân của câu chuyện này. Còn theo cá nhân ông thì căn nguyên là gì?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Căn nguyên của câu chuyện này đều xuất phát từ chuyện cán bộ công chức đạo đức kém, lợi dụng chức vụ quyền hạn để bảo kê, sân sau, lợi ích nhóm, để làm những việc không đúng pháp luật. Anh làm sai nên anh mới sợ.
Tôi đồng tình với quan điểm của nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng mọi việc đều xuất phát từ đạo đức kém. Đành rằng không ai có thể hiểu biết hết tất cả nhưng điều đó không có nghĩa là không có luật quy định điều chỉnh và không có bộ phận chuyên môn giúp việc. Cái gốc của vấn đề là sân sau, lợi ích nhóm. Trong vụ việc của ông Nguyễn Quang Tuấn, nói ông là bác sĩ không có chuyên môn về luật kinh tế, vậy thì các cấp phó, rồi bộ phận tài chính kế toán giúp việc cho ông ấy đã ở đâu, làm gì?
Một căn nguyên nữa theo tôi người không dám làm và sợ cho thấy tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ anh không đáp ứng nhưng vì háo danh đến mức, không phải tất cả, nhưng có những người đã chạy để đạt được chức danh đó, cho nên đến khi được bổ nhiệm không biết gì mà nói nên phải im lặng, cho nên dẫn tới câu chuyện cấp dưới thao túng.
PV: Một cơ quan đơn vị, một địa phương mà lãnh đạo sợ sai không dám phát triển thì tương lai của những nơi đó sẽ thế nào?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Đây là tình trạng rất đáng báo động. Ở cấp cơ quan đơn vị, rộng hơn là địa phương, thậm chí cả đất nước mà cán bộ nào cũng sợ sai không dám làm thì tương lai những cơ quan đơn vị, địa phương đó sẽ về đâu khi lãnh đạo co cụm, trì trệ. Thực tế đã có, tuy không phải tất cả nhưng không ít cán bộ khi đi luân chuyển về địa phương 2-3 năm không làm gì, không xử lý vi phạm, không đề xuất cái mới, cố gắng để không va chạm với ai, an toàn rút về.
Những cán bộ như thế sẽ gây ra cản trở lớn cho sự phát triển của xã hội. Chúng ta đã có hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động, về hoạt động cũng có những quy định của chuyên ngành đều rất chặt chẽ, nhưng câu chuyện đằng sau là lợi ích nhóm thao túng nên có những ý kiến tham mưu bị bỏ ngoài tai.
Lợi ích nhóm được trao đổi trên sân golf
PV: Có những ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai không dám làm là vì cơ chế. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Bản chất cơ chế chính sách là đúng nhưng cái không đúng là người ta lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất để phục vụ cho lợi ích sân sau, lợi ích nhóm.
Lợi ích nhóm hiện nay được trao đổi trên sân golf, việc tài trợ cho quan chức thông qua vé VIP, thẻ thành viên cũng xuất phát từ đó. Nhiều cán bộ đến đó được phục vụ ăn uống, chơi bời thì phải trả lại bằng dự án, muốn cho người này thì đương nhiên phải gạt những người khác ra. Nguyên nhân, điều kiện phạm tội chính là như thế.
Vì thế không thể đổ cho cơ chế. Nếu là cơ chế, tại sao nhiều cán bộ công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng, không thể nói số đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng. Trong khi đó có những vị chức cao, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì làm sao có thể làm đúng được.
PV: Từ câu chuyện của nhiều quan chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng ở ta, cứ thấy ai giỏi chuyên môn là cho lên làm quản lý. Người bổ nhiệm cũng nghĩ vậy mà được bổ nhiệm cũng thích vậy, nên mới xảy ra cơ sự?
Ông Nguyễn Mai Bộ: Ở ta trong thực tế, câu chuyện cứ nghĩ đảng viên là làm được hết cho nên bố trí cán bộ làm trái với năng lực chuyên môn của họ là có thật. Ví như đại biểu Quốc hội chuyên trách của một số Ủy ban, người ta không có kiến thức về hoạt động của Quốc hội, bản lĩnh cũng không có, đưa họ về làm chuyên trách ở Ủy ban, dẫn tới nhiều người 5 năm không phát biểu câu nào bởi có biết gì đâu mà phát biểu.
Cho nên câu chuyện cứ nghĩ rằng đảng viên có thể làm được mọi việc cần phải được xem xét lại, bố trí phải phù hợp với trình độ kiến thức năng lực của họ. Như tôi chuyên môn về ngành tòa án mà cho tôi sang làm tài chính là tôi chịu. Hay những người có chuyên môn về tài chính nhưng đưa sang làm thẩm phán; một người làm phong trào ở Hội mà đưa sang làm Bí thư của một địa phương liệu có đủ kiến thức để làm không?
Cách bổ nhiệm không chú trọng đến chuyên môn rất dễ dẫn đến khuyết điểm, sai phạm do không có hiểu biết về chuyên môn, bởi người có chuyên môn thì không được quyết định còn người có quyền quyết định thì lại không có chuyên môn. Ở ta chuyện bổ nhiệm cán bộ không có chuyên môn không phải hiếm.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.
Thanh Hà/VOV.VN (thực hiện)