Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), đã có một số điểm sáng đáng kể ở thị trường EU, đặc biệt là Bỉ - cho dự báo khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ gia tăng trong năm 2024 vào các thị trường này. Hiện nay lạm phát đã giảm rất nhiều, thu nhập của người dân đã tăng mạnh trở lại. Đồng thời với đó là giá năng lượng đã dần ổn định, chuỗi cung ứng cũng dần được khôi phục.
Các chuyên gia kinh tế của khu vực này cũng như trên thế giới dự báo kinh tế của Liên minh châu Âu trong năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng nhẹ (khoảng gần 1% trong năm 2024 và tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 1,5% vào năm 2025). Điều này cũng đồng nghĩa, tăng trưởng thương mại của EU sẽ có sự khôi phục tăng trưởng khoảng 1,7% đối với chiều nhập khẩu vào EU và khoảng 1,1% đối với chiều xuất khẩu từ EU đi các nước khác - thay vì giảm hơn 15% trong hoạt động thương mại quốc tế của khối này trong năm 2023.
Mặc dù đã nhìn thấy những triển vọng lạc quan sau hơn 2 năm rất khó khăn tại thị trường Liên minh châu Âu, song do người dân vẫn chưa mạnh dạn mua sắm nên cạnh tranh về giá trong năm 2024 được coi là một trong những ưu tiên tại thị trường này mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần quan tâm, chú trọng.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Ngoài những yếu tố về giá thì các quy định về nhập khẩu trong năm 2024 sẽ được thực hiện rất nhiều, chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và những vấn đề phát triển xanh và sạch. Cụ thể là các cơ chế cân bằng cacbon được áp dụng có liên quan trực tiếp đối với mặt hàng xuất khẩu như thép, xi măng, phân bón bắt đầu được áp dụng từ tháng 6/2024. Theo đó, các doanh nghiệp liên quan phải khai báo các bảng kê khai liên quan của EU tương đối phức tạp và cần có thời gian nghiên cứu rất nhiều”.
Trong năm 2024, EU tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với tất cả các nhóm hàng thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Cũng trong năm nay, EU cũng dự định đưa ra các quy chế về Ecodesign (thiết kế sinh thái) trong ngành dệt may với yêu cầu giảm tối đa những vấn đề rác thải trong lĩnh vực dệt may. Đối với mặt hàng nông sản thì chương trình “từ nông trại đến bàn ăn” cũng dự kiến đưa ra quy định về chống rác thải thực vật... Tất cả cho thấy các quy định về kinh tế xanh, sạch sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn tại Liên minh châu Âu.
Cũng theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), năm 2024, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã bước vào năm thứ tư thực thi. Việc cắt giảm thuế đã tạo ra cơ hội khác biệt lớn tại thị trường châu Âu giữa Việt Nam và đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước châu Á đang rất mong có hiệp định thương mại tự do với EU.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định EVFTA. Theo đó, cần tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ, nhanh chóng xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này.
Đối với thị trường Hoa Kỳ - đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, theo dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ đạt từ 1,7-2% trong năm 2024 - là tín hiệu hết sức tích cực, cho thấy nền kinh tế của Hoa Kỳ đang trong đà hồi phục, tạo cơ hội khôi phục tăng trưởng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới, như mặt hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, thủy sản…
Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại Việt Nam, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, do Việt Nam là nước xuất siêu đứng thứ 3 sang thị trường Hoa Kỳ (chỉ sau Trung Quốc và Mexico) nên việc tìm cách giảm nhập khẩu để bảo vệ các ngành hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cũng sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Hiện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
“Tăng cường mối liên hệ qua các nền tảng trực tuyến để phát huy vai trò của Thương vụ tại địa bàn, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, nhất là các vụ việc rà soát đối với các mặt hàng mật ong cũng như là rà soát đối với việc áp thuế đối với mặt hàng cá phi lê đông lạnh. Sắp tới sẽ tiến hành vụ việc khởi kiện đối với các mặt hàng bia giấy xuất khẩu của Việt Nam - cho thấy tín hiệu rằng mặc dù thị trường Mỹ là thị trường rất lớn nhưng hiện nay sự quan tâm đối với các ngành hàng xuất khẩu cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đang ngày càng cao, kể cả những mặt hàng ở thị trường ngách cũng như là kim ngạch xuất khẩu không cao” - ông Đỗ Ngọc Hưng nói.
Đánh giá cao vai trò của các tham tán, cơ quan Thương vụ tại các nước trong việc xúc tiến thương mại hàng hoá vào các thị trường trong đó có EU và Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các cơ quan này nắm bắt nhanh và thông tin kịp thời tới cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về các tiêu chuẩn, đạo luật mới từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là phải bám sát vào các xu hướng của năm 2024 tại các thị trường.
“Chúng ta hiện nay hoạt động kết nối thị thường là chúng ta nhìn ở tầm quốc gia. Hiện nay, chúng tôi thấy bắt đầu có việc kết nối cả ở các vùng của nước sở tại, rồi cả tính bang và có cả những yêu tố mang tính chất đặc thù của từng vùng miền. Tôi cũng đề nghị các tham tán lưu ý thêm để có thể có thêm những thông tin như vậy; phân tích ngay những hàng rào kỹ thuật các nước đã đặt ra. Nếu như chúng ta không nắm bắt được hàng rào và không vượt qua được hàng rào thì sẽ thua trận ngay” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Để tận dụng cơ hội và phát triển xuất khẩu bền vững tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.