Thảo luận về kết quả giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng trong nhiều lĩnh vực còn nhiều bất cập, hạn chế, nếu không được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt sẽ cản trở sự phát triển, làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Để việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hiệu quả, thực chất hơn, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu), cho rằng, để có thêm cơ sở chính trị vững chắc, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay, làm căn cứ cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành trung ương xây dựng chính sách, pháp luật bổ sung nội dung đánh giá tác động việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như một nội dung trong đánh giá tác động chính sách được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Cho rằng, một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế, đó là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân, vì bản thân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phân tích, căn nguyên sâu xa của thói lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung.
Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nga, có một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Do đó, “bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí như báo cáo đã nêu thì còn cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người và đối tượng không chỉ là cho học sinh các trường phổ thông”, đại biểu Nga nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Chính phủ và Quốc hội quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh, bởi “làm rõ, chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí”.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh, trong khu vực công phải làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. “Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị có bổ sung, dẫn chứng những lĩnh vực dự án đầu tư công hiệu quả, tiến hành tuyên dương những dự án đầu tư công vượt tiến độ, vượt định mức, tiết kiệm ngân sách để làm đậm thêm những thành tựu đã đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và làm cơ sở để phát động phong trào vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng giải pháp dài hạn cần đặc biệt quan tâm là thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) lại cho rằng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải nhận thức việc tuân thủ pháp luật là quan trọng nhất, vì chấp hành nghiêm túc, định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của pháp luật sẽ là nền tảng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.
Nhóm PV/VOV.VN