Nên xây dựng 3 kịch bản
CIEM vừa công bố 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021. Theo đó, kịch bản 1 đưa ra giả định dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021 thì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5,9% và kịch bản 2, khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào tháng 8/2021 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,2%.
Tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm đối mặt với nhiều thách thức |
Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thông thường các tổ chức thường đưa ra 3 kịch bản với giả định xấu, bình thường và lạc quan. Do đó, CIEM nên xây dựng thêm kịch bản xấu hơn với giả định việc kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài hơn so với 2 kịch bản được đưa ra. Điều này nhằm dự phòng phương án “phòng thủ” tốt nhất, tránh lúng túng trong chuẩn bị và tập hợp lực lượng như trường hợp của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua.
Đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cũng cho rằng: Ở góc độ cơ quan nghiên cứu bao giờ cũng thường có 3 kịch bản, kịch bản xấu, kịch bản trung bình (kịch bản cơ sở) và kịch bản tích cực. Nhưng dự báo của CIEM thì thiếu kịch bản dưới kịch bản cơ sở, nên tôi nghĩ cũng cần có thêm một kịch bản với những giả định xấu hơn, ví dụ dịch bệnh ở cấp độ cao hơn và khả năng khống chế kéo dài hơn, đến tháng 12/2021 chẳng hạn, thì tăng trưởng sẽ như thế nào?. Dự báo như vậy để chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn, chủ động hơn trong ứng phó với diễn biến của dịch bệnh và nền kinh tế.
Tăng trưởng cuối năm đối mặt với nhiều thách thức
Ông Võ Trí Thành cho rằng: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm vẫn gắn chặt với xu hướng của thế giới. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với 3 trắc trở lớn, bao gồm: Thứ nhất, tình hình khan hiếm nguồn cung tiếp tục gia tăng, cạnh tranh đầu vào vẫn diễn ra mạnh mẽ, đẩy giá cả hàng hoá leo thang; Thứ hai, một số quốc gia tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Thứ ba, năng lực logistics không còn đảm bảo như trước đại dịch Covid-19, chi phí thuê container rỗng tăng chóng mặt trong suốt thời gian qua.
Cùng với đó, tăng trưởng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới diễn ra không đồng đều. Nhiều định chế tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ngay cả Trung Quốc - quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất vào nửa đầu năm 2021 trong khu vực châu Á cũng đang có dấu hiệu chững lại. Trong khi, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… lại đang có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Vì vậy, ông Võ Trí Thành cho rằng: Chiến thuật của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn.
Đồng tình với quan điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, song chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng: Việt Nam vẫn có nhiều “điểm tựa” rất tốt cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Những điểm tựa đó thể hiện qua những con số cụ thể như, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký của doanh nghiệp gia nhập thị trường trong những tháng đầu năm tăng mạnh. Xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khá lạc quan với 77,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý III/2021 sẽ tốt hơn và ổn định hơn quý II/2021. Cao hơn mức 68,2% của quý II/2021 so với quý I/2021… Đặc biệt, nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam khá cao, nhất là khi các nền kinh tế trên thế giới như Mỹ, châu Âu được dự báo phục hồi.
“Tuy vậy, những “điểm tựa” này chỉ có thể được phát huy và trở thành động lực của tăng trưởng nếu như chúng ta sớm kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19” – ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể mới, áp lực lạm phát và sự tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào. Do đó, phục hồi kinh tế phải gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư… |