Cuối tháng 8 vừa qua, hàng triệu người sử dụng mạng xã hội đã lặng đi vì xúc động khi câu chuyện về anh Vũ Quốc Cường- một người làm thiện nguyện nổi tiếng đã ra đi vì Covid-19 được lan truyền, chia sẻ. Anh Cường sống tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Với hơn 20 năm làm công tác thiện nguyện bằng 2 quán cơm chay hỗ trợ người nghèo, khi dịch bệnh bùng phát, anh Cường và bạn bè mở bếp cơm từ thiện để cung cấp các suất ăn cho tuyến đầu chống dịch. Sau 2 tháng lăn lộn với bếp cơm thiện nguyện, anh nhiễm Covid-19 rồi qua đời ngày 22/8.
Xúc động về sự ra đi của anh Vũ Quốc Cường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên gia đình anh vượt qua nối đau mất mát. Ông cũng ca ngợi những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh như những bông hoa sen, sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.
"Hình ảnh kiên cường, tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội"- Chủ tịch nước viết trong thư, đồng thời tin rằng, những con người bình dị nhưng phi thường đó đã sống và làm theo tấm gương của cha ông mình, những người anh hùng vệ quốc thời chiến.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, một điều rất đáng tự hào về người Việt, đó là bất cứ khi nào đất nước gặp những biến cố lớn, như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay thiên tai, bão lũ và giờ là đại dịch, không cần chờ đến sự phát động hay kêu gọi, một làn sóng mạnh mẽ là lòng trắc ẩn của người dân bùng lên, lan tỏa từ người này sang người khác, hội nhóm này sang hội nhóm khác, cứ thế hành động.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh coi đó là điều hết sức đặc biệt, mà chắc trên thế giới này không đâu có được điều đó. Và dẫn chứng rõ nét nhất theo ông Nguyễn Quang Vinh là trong việc quyên góp vào Quỹ vaccine, Chính phủ hẳn không thể tưởng tượng được sự đóng góp mạnh mẽ đến thế.
“Tôi cho đó là sức mạnh tiềm ẩn và sức mạnh ấy chứng minh một điều là cho dù bất cứ điều gì xảy ra thì người Việt vẫn luôn bên nhau, tạo thành sức mạnh dân tộc, hỗ trợ Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải quyết hàng loạt những khó khăn”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh khẳng định.
Những lúc khó khăn, cam go nhất, phẩm chất tốt đẹp của người Việt luôn bừng sáng, mà không hề có sự suy tính, đắn đo. Đó chính là truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái của người Việt đã được hun đúc, đắp bồi qua nhiều thế hệ. Những câu thành ngữ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” hay “Lá lành đùm lá rách”… là dẫn chứng sinh động cho tinh thần ấy.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng, phương châm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ “không bỏ ai lại phía sau” đã thể hiện cao nhất tinh thần tương thân tương ái đó.
“Tôi gọi đây là báu vật của dân tộc, báu vật ấy là điểm tựa vô cùng to lớn cho những người yếu thế”, ông Vinh chia sẻ.
Cũng như nhà văn Nguyễn Quang Vinh, theo dõi công cuộc chống dịch đầy gian nan của đất nước, Tiến sĩ Sử học Ngô Vương Anh bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, hỗ trợ lẫn nhau của người dân. Mỗi người bằng những hành động, việc làm cụ thể đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của mình, góp một phần công sức vào công cuộc chống dịch chung của đất nước.
“Chúng ta hiểu được căn cốt của tinh thần đó, nó luôn thường trực trong tim của mỗi người Việt và được phát huy cao độ trong những hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Trong khó khăn, nếu biết cách khơi gợi tinh thần đó, chúng ta có thể mạnh mẽ vượt qua. Những bài học trong lịch sử đã chứng minh điều đó”, Tiến sĩ Ngô Vương Anh chia sẻ./.
Thanh Hà/VOV.VN