Tiếp tục vụ việc 100 container nhân điều xuất khẩu sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo gây chấn động dư luận những ngày qua. Các doanh nghiệp Việt đã đàm thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán Nhờ thu, hay còn gọi là "Trả tiền nhận chứng từ D/P". Rủi ro đã xảy ra khi hiện nay các doanh nghiệp này đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc. Đây có thể nói là vụ việc nghi lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều, số lượng tổng lên đến 100 container.
Nghi lừa đảo 100 container nhân điều xuất khẩu sang Italy
Doanh nghiệp Việt sau khi làm thủ tục xuất khẩu, lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển. Chứng từ sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam. Ngân hàng Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italia đã "không cánh mà bay".
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết: "Ngân hàng Việt Nam chắc chắn đã gửi chứng từ gốc, tuy nhiên, trên đường đi chứng từ gốc đã bị mất, bị giành quyền kiểm soát từ khâu nào thì không biết. Ngân hàng Việt Nam đều xác nhận họ chuyển chứng từ thông qua hãng chuyển phát nhanh, như vậy có ý kiến đặt ra là chứng từ bị thay đổi đánh tráo từ hãng chuyển phát nhanh, cũng có ý kiến cho rằng hãng chuyển phát nhanh vận chuyển tốt nhưng đến ngân hàng sở tại nó bị mất, bị đánh tráo".
Sau khi phát hiện ra các dấu hiệu nghi lừa đảo, doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng thu hồi các bộ giấy tờ gốc. Hiện nay, còn 36 container đang thất lạc chứng từ. 5 container đầu tiên đã cập cảng Genova của Italy. Luật sư Davide Gallasso, người phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Italy để xử lý vụ việc này cho biết, đã phối hợp với các cơ quan hữu quan bên phía nước bạn, dừng giao hàng này cho các đối tác.
Luật sư Davide Gallasso, Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự, cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với công an hải quan, các hãng tàu và cũng lấy được phán quyết từ toà án để hàng không được thông quan. Hiện nay, 5 container điều đã đến cảng biển. Tuy nhiên, không ai có thể lấy được hàng hoá cho dù họ có trong tay bộ giấy tờ gốc. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để xem ai là người chịu trách nhiệm cho vụ việc này, đồng thời, sẽ làm việc để lấy lại quyền sở hữu hàng hoá cho các doanh nghiệp Việt".
Theo nguyên tắc của ngành vận tải, hàng phải được giao cho người có vận đơn gốc, hay còn gọi là giấy tờ gốc. Hiểu nôm na là cứ cầm giấy tờ gốc đến cảng thì lấy được hàng, Đây chính là điểm mấu chốt được những nghi phạm lừa đảo hướng đến. Lịch sử ngành xuất khẩu Việt Nam đã chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh minh hoa - Ảnh: TTXVN.
Mất quyền kiểm soát chứng từ gốc – Rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu
Từ một câu chuyện thật xảy ra năm 2015, một doanh nghiệp cho biết đã gặp trường hợp suýt bị lừa với phương thức tương tự. Khách mua khi đó liên tục yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã vận đơn chuyển phát nhanh của bộ chứng từ gốc. Thực tế trong kinh doanh xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng từng gặp tình trạng tương tự và bị mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, nói: "Một trường hợp rất kinh điển và rất nhiều người gặp. Chính vì thế, tôi đã viết thành một câu truyện ngắn. Và trong cách xử lý của chúng tôi rất rõ rằng, không được phép thông báo số vận đơn bộ chứng từ cho đối tác. Chỉ đến khi ngân hàng nhận xác nhận thì mới thông báo và chúng tôi giữ nguyên tất cả ý kiến ấy trong suốt 7 năm vừa rồi".
Có nhiều phương thức thanh toán quốc tế như: điện chuyển tiền (T/T); trả tiền nhận chứng từ (D/P); thư tín dụng (L/C)… Bản chất của các phương thức này đều là nhờ thu qua ngân hàng, nghĩa là đơn vị nhập khẩu phải trả tiền mới lấy được chứng từ. Tuy nhiên, khi xảy ra việc mất giấy tờ gốc, phương thức thanh toán D/P được đánh giá là thiệt hại cho người bán hơn, vì gười mua thường không phải đặt cọc.
Lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp trong thương mại quốc tế
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc công ty xúc tiến xuất khẩu VIETGO, cho biết: "D/P là một thanh toán rủi ro vì doanh nghiệp không nhận được tiền cọc, không nhận được tiền ứng trước, mà lại chủ động sản xuất hàng, cho hàng lên tàu, hàng đi trên tàu rồi, khách vẫn có quyền lựa chọn mua hay không mua, thanh toán hay không thanh toán. Bản chất vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn trong việc bán, nôm na là không có nhiều khách, không có nhiều sự lựa chọn thì chúng ta sẽ bị ép, nghĩa là đối tác nói gì thì chúng ta phải nghe".
Trong trường hợp những mặt hàng sản xuất ra, đối tác không mua mà chúng ta vẫn bán được cho người khác thì hình thức thanh toán T/T nghĩa là được nhận cọc 30-40% sẽ là an toàn nhất. Những sản phẩm phải gia công theo mẫu mã của đối tác, họ không mua thì mình không bán cho ai thì phương thức thanh toán L/C là phù hợp nhất.
Lựa chọn nhà nhập khẩu uy tín trong thương mại quốc tế
Theo Thương vụ Việt Nam tại Italy, vấn đề của các doanh nghiệp Việt là thực hiện hợp đồng lớn, với những đối tác mới hoàn toàn mà không kiểm tra độ tín nhiệm và khả năng tài chính của người mua.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy, nói: "Nhóm người lừa đảo đứng tên mấy công ty, đều có đăng ký ở Italy nhưng rất nhỏ và công ty đó tôi đã điều tra sơ bộ, nó nằm giữa đồng không mông quạnh. Bây giờ, cán bộ Ngoại thương của Việt Nam chỉ cần vào Google map, điều tra sơ bộ, thấy công ty như vậy là đã nghi rồi, thứ hai nữa là nhờ người thương vụ đến là lại thêm thông tin và phải kiểm tra nhiều thứ nữa thì mới nói đến chuyện kí hợp đồng".
Bên cạnh việc xác thực người mua, doanh nghiệp Việt cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về xuất nhập khẩu, đào tạo được đội ngũ cán bộ ngoại thương nhiều kinh nghiệm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Chúng ta nói đến vấn đề về nhân lực, tính chuyên nghiệp của các nhân lực trong đàm phán thương mại quốc tế, đặc biệt với giao dịch quốc tế đòi hỏi nhân lực có kinh nghiệm, bên cạnh những kiến thức được học ở trường".
Việt Nam là một trong quốc gia chủ động hội nhập kinh tế khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn, cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng hơn. Điều chúng ta cần làm là trang bị cho mình những kiến thức vững chắc về đàm phán thương mại quốc tế để tự tin bước ra sân chơi ấy.
Nguồn VTV