Liên tiếp xuất hiện tin giả về dịch bệnh
Khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai (tính từ ngày 27-4 đến nay), đã có nhiều đối tượng lợi dụng tình hình, sự lo lắng của người dân về dịch bệnh để đăng tải, phát tán thông tin giả, thông tin tiêu cực gây hoang mang cho người dân về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Gần nhất, ngày 26-7, trên MXH lan truyền thông tin: "Tối nay, từ 11 giờ 40 tối không ai nên ra đường. Cửa ra vào và cửa sổ nên được đóng lại khi 5 máy bay trực thăng phun chất khử trùng vào không khí để diệt trừ coronavirus". Đến chiều cùng ngày, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã khẳng định thông tin trên là sai sự thật.
Cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai làm việc với một người đăng thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh tại địa phương lên mạng xã hội. Ảnh: Báo Đồng Nai
Trước đó, vào ngày 25-7, trên MXH Facebook xuất hiện nội dung sai sự thật: “Công an Q.7 thông tin 12 shipper dương tính với nCov” khiến không ít người dân lo lắng vì hiện nay phần lớn người dân đặt mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu online và nhận hàng từ đội ngũ shipper. Trước tin đồn thất thiệt này, Công an Q.7 (TP.HCM) đang ráo riết truy tìm người tung tin giả nói trên.
Đáng chú ý, không ít tin giả được thể hiện bằng các hình ảnh giật gân, diễn giải chi tiết khiến người dân hoang mang, chia sẻ cho nhau. Điển hình như chiều 19-7, trên MXH Facebook xuất hiện và lan truyền hình ảnh một người đàn ông đang tự thiêu được cho là tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cùng nhiều bình luận cho rằng, người tự thiêu vì “bức xúc về cách chống dịch Covid-19 của TP.HCM”… Đến nay, người đưa thông tin này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều tài khoản MXH đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin số ca bệnh, các văn bản thông báo truy vết những trường hợp có liên quan đến F0, các quyết định về việc cách ly xã hội các địa phương..., nhưng chỉ trích dẫn một phần hoặc đưa thông tin không đầy đủ khiến việc tiếp nhận thông tin của người đọc bị “nhiễu”. Chính việc này khiến người dân không biết đâu là tin thật, đâu là tin giả, dễ dẫn đến chủ quan về tình hình dịch bệnh, không khai báo y tế kịp thời.
Những thông tin giả, sai trái liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh xuất hiện trên MXH đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân, cũng như tạo thêm khó khăn, vất vả cho công tác phòng, chống dịch.
Nhận diện tin giả
Theo Bộ TT-TT, tính đến hết tháng 6-2021, cả nước có 829 MXH của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép. Trong đó, một số MXH trong nước có nhiều người sử dụng là: Zalo (khoảng 60 triệu tài khoản); Mocha (25 triệu tài khoản); Webtretho (3 triệu tài khoản); Nhaccuatui (14 triệu tài khoản); Gapo (7 triệu tài khoản). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và phổ biến còn rất hạn chế so với các MXH nước ngoài cung cấp vào Việt Nam như: Facebook (65 triệu thành viên), YouTube (60 triệu thành viên), TikTok (20 triệu thành viên)…
Bộ TT-TT cho rằng, thông tin vi phạm pháp luật, tin giả, gây bức xúc trong xã hội tồn tại nhiều và chủ yếu là trên các MXH nước ngoài này. Đặc biệt là khi nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động báo chí, livestream đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác.
Tin giả được tạo nên với nhiều mục đích khác nhau, đa phần để tạo luồng dư luận, hiệu ứng đám đông để phục vụ lợi ích của người đăng. Tuy nhiên, cũng có thể không vì mục đích xấu nhưng do người tạo, chia sẻ cũng không rõ nội dung mình đăng có đúng hay không. Tuy nhiên, khi tin giả bị phát tán, nhất là thông tin liên quan đến dịch bệnh sẽ khiến người tiếp nhận thông tin hiểu sai bản chất của sự việc, gây tâm lý hoang mang, dễ bị kích động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch hiện nay tại các địa phương mà còn tác động đến nhiều mặt khác của đời sống như: tình trạng khan hiếm hàng hóa, ghim hàng, tăng giá…
Để nhận diện tin giả, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chỉ rõ các đặc điểm như: tin giả thường không chú trọng thể thức văn bản, hay có lỗi chính tả và ngữ pháp. Đặc biệt, hình ảnh sử dụng phần lớn là ảnh trên mạng, đã qua chỉnh sửa, cắt ghép; người dân cần kiểm tra nguồn hình ảnh thông qua tính năng “tìm kiếm hình ảnh trên Google” (search Google for image) để tìm được hình ảnh gốc. Bên cạnh đó, các tin giả được tạo ra thường dựa trên một sự việc, tình tiết có thật và được người viết thêm một số chi tiết giả, nói khống ở những nội dung quan trọng./.
Tùng Lâm