Do ưu thế về địa hình cũng như độ cao so với mực nước biển, nguồn nước lạnh tại khu vực Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) luôn dồi dào và ổn định quanh năm; khí hậu thích hợp là điều kiện quan trọng nhất để nuôi các loại cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cá tầm trong điều kiện nuôi tại Cao Bằng”. Kết quả cho thấy chất lượng môi trường nước tại suối Lê-nin phù hợp nuôi thương phẩm cá tầm Siberi.
Những năm gần đây, Trại cá tầm Thảo Công của gia đình bà Đàm Thị Thảo, xã Trường Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng nguồn nước lạnh đầu nguồn ở cạnh nhà, năm 2017, gia đình bà Thảo tham khảo mô hình nuôi cá tầm tại Sa Pa (Lào Cai) và đầu tư 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn.
Mô hình nuôi cá tầm tại xã Trường Hà (Hà Quảng). Ảnh: Báo Cao Bằng
Từ nuôi thử nghiệm ban đầu vài bể nhỏ, đến nay Trại cá tầm Thảo Công đã mở rộng diện tích lên hơn 600 m2. Hằng năm gia đình bà Thảo nuôi 3 lứa, sau khoảng 14 tháng cá đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên có thể cho thu hoạch, sản lượng trung bình mỗi năm đạt trên 2 tấn.
Bà Đàm Thị Thảo, chủ Trại cá tầm Thảo Công cho biết: Nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, quan trọng nhất phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, phải khử trùng, đo nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng tốt. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn công nghiệp, ngoài ra có thể thêm tôm, tép nhỏ. Thị trường tiêu thụ của Trại cá tầm Thảo Công hầu hết là tại địa phương và các huyện trong tỉnh. Cá tầm có giá bán 250.000 đồng/kg, cao hơn so với các loại cá khác. Lợi nhuận từ mô hình nuôi cá tầm khoảng 250 triệu đồng/năm.
Phát triển mô hình nuôi cá tầm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, giá trị kinh tế lớn; tạo ra sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch địa phương, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân cũng như kinh tế của huyện. Mặc dù mô hình nuôi cá tầm bước đầu đã đạt kết quả, song trên thực tế diện tích nuôi trồng tại huyện Hà Quảng còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nghề nuôi cá tầm đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài Trại cá tầm Thảo Công, hiện nay trên địa bàn huyện có vài hộ nuôi thử nghiệm cá tầm, cá hồi quy mô nhỏ.
Để sản phẩm cá tầm cung ứng cho các thị trường khó tính và vươn tới xuất khẩu, đòi hỏi phải có kỹ thuật nuôi trồng khắt khe, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, các hộ nuôi cá tầm chưa được tham gia tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ nên còn hạn chế về kiến thức và kỹ thuật nuôi trồng.
Cá tầm đạt trọng lượng 2 kg có thể cho thu hoạch. Ảnh: Báo Cao Bằng
Sản phẩm cá tầm gặp khó khăn về đầu ra do chưa tạo dựng được thương hiệu và chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ cá tầm chưa được hình thành, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chế biến sau khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm.
Để mô hình nuôi cá tầm không chỉ dừng lại ở tiềm năng, huyện cần có cơ chế, chương trình thu hút và hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ngang tầm với lợi thế của địa phương. Đồng thời tổ chức quản lý hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Hướng tới xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và mang tính đặc hữu vùng, từng bước giúp mô hình nuôi cá tầm phát triển theo hướng bền vững./.
Theo Báo Cao Bằng