Thiếu vật tư y tế, hóa chất
Thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy có nguy cơ bị đóng cửa gây ra rất nhiều lo lắng trong dư luận còn chưa lắng xuống, mới đây Bệnh viện Việt Đức chính thức thông báo hạn chế mổ phiên - phẫu thuật không mang tính cấp cứu càng khiến cho dư luận, người bệnh không khỏi hoang mang, sửng sốt.
Bởi đây là hai Bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế. Nếu như Chợ Rẫy là Bệnh viện tuyến cuối của khu vực Miền Nam, mỗi ngày tiếp nhận hơn 10.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Thì Việt Đức là Bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt của khu vực Miền Bắc, có số lượng phẫu thuật lớn nhất cả nước, mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu.
Cách Việt Đức không xa, tình hình của Bệnh viện Bạch Mai cũng thê thảm không kém là bao. Bệnh viện này hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Các Bệnh viện nhỏ khác, cũng tương tự, nhiều nơi đã thông báo tới tất cả các khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu.
Theo đó, nguyên nhân chính nằm ở việc thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất. Ở đầu cầu phía Bắc, vì cạn kiệt hóa chất, vật tư y tế, từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức chính thức hạn chế mổ phiên. Cũng trong ngày 1/3, cả trăm bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ do Bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu, hạn chế mổ phiên.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng xác nhận, thời gian qua Bệnh viện này cũng như nhiều cơ sở y tế công lập trên cả nước gặp vướng mắc trong việc đấu thầu nên dẫn đến vật tư tồn kho sắp cạn kiệt. Kể cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hoá chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng các hoạt động phẫu thuật của Bệnh viện mới có thể trở lại bình thường".
Còn ở đầu cầu phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ điểm lại con số gần 50.000 ca mổ mà Chợ Rẫy đã thực hiện trong vòng năm 2022 thì đã thấy áp lực rất lớn mà đội ngũ y bác sĩ ở đây phải gánh chịu. Trong khi đó, cũng chỉ trong năm 2022, Chợ Rẫy có hơn 150 nhân viên y tế nghỉ việc, đa số chuyển ra làm việc ở khu vực y tế tư nhân. Số y bác sĩ còn lại phải làm việc trong môi trường không đủ hóa chất, vật tư y tế tiêu hao cần thiết cho hoạt động khám chữa bệnh.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Bệnh viện Chợ Rẫy đối mặt với nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động. Các khó khăn trên xuất phát từ những bất cập trong các quy định về đấu thầu vừa được Bệnh viện báo cáo đến Bộ Y tế.
"Hồi sức" gấp cho bệnh viện tuyến đặc biệt
Thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảnh báo trước khi tình trạng thiếu vật tư y tế do cơ chế và cũng là do thiếu sự quyết đoán của cán bộ ngành Y từ năm 2022. Chính vì thế, trong suốt thời gian qua Thủ tướng cũng đã liên tục có rất nhiều nóng chỉ đạo để từng bước giải quyết những khó khăn của ngành Y. Kiên quyết và thẳng thắn, ông đã từng nhấn mạnh: “Ai không làm được đứng sang một bên”.
Trên tinh thần ấy, sáng 24/2 mới đây, tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Đặc biệt, phải loại bỏ tâm lý sợ sai. Đây là một trong những khúc mắc lớn nhất của ngành Y.
Thậm chí, để chuẩn bị cho những phương án xấu nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2. Trước đó, tại buổi làm việc kiểm tra, khảo sát thực địa, tại 2 bệnh viện trên vào hồi tháng 8/2022 Thủ tướng đã rất sốt ruột khi chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách để lãng phí dưới nắng mưa trong khi người dân thì thiếu cơ sở khám chữa bệnh, vật vờ không có giường nằm.
Do vậy, việc hồi sức cho Bệnh viện tuyến đặc biệt có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế. Có thể xem xét một số giải pháp như sau:
Một là: Cấp thiết phải thành lập một ban “giải cứu”.
Đứng đầu ban này cần phải là một Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng để có thể đủ quyền hành và có cái nhìn khái quát nhất nhằm giải quyết những vấn đề nội tại.
Trước mắt, cần đề ra những phương án xử lý tạm thời như nới lỏng có kiểm soát về quy định đấu thầu, có quy chế thuê đối với các máy y khoa dịch vụ…
Khẩn trương cấp mới (cấp lại/gia hạn số lưu hành) giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98 năm 2021 để nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất phục vụ điều trị người bệnh.
Về lâu dài, cần thiết xây dựng luật Đấu thầu riêng cho ngành Y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong luật Đấu thầu.
Hai là: Chia lửa cho Bệnh viện hạng đặc biệt.
Tức là, chúng ta cần phải tính đến phương án chia lửa từ những Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai... về các Bệnh viện tỉnh, huyện. Cần biết, y tế Việt Nam hiện phân thành ba cấp kỹ thuật: tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở. Trong đó, tuyến cơ sở được phân cấp thành xã và huyện.
Tuy nhiên, tuyến y tế cơ sở là xã thì gần như bị teo tóp chức năng, nó đang tồn tại có mà như không. Cứ thử đi vài vòng trạm y tế xã thì sẽ thấy rõ điều đó. Còn tuyến y tế huyện thì hầu như gặp vấn đề rất lớn về chuyên môn và thiết bị y tế.
Ba là: Gấp rút hoàn thành các dự án Bệnh viện mở rộng còn dang dở.
Rõ ràng trong bối cảnh thiếu hụt cả nhân lực và vật lực thì việc tận dụng khai thông những dự án bỏ hoang, gây lãng phí là điều hết sức cần thiết.
Bốn là: Hoàn thiện, thay thế những bất cập về luật.
Nhìn nhận từ thực tế, việc các Bệnh viện không thể mua được trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất do vướng luật.
Chẳng hạn: Quản lý giá trang thiết bị y tế đã được quy định tại Điều 43, 44, 45 Nghị định 98 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, trong thực tế việc kê khai và công khai giá trang thiết bị y tế chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng.
Hơn nữa, giá kê khai của trang thiết bị y tế chưa được kiểm soát nên có tình trạng giá kê khai cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế, dẫn đến không ít các Bệnh viện không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế để xây dựng giá gói thầu mua sắm... Việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia gặp rất nhiều khó khăn.v..v.
Biết rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn đang chờ ngành Y, nhưng ít nhất cái người dân có thể thấy lúc này là chỉ đạo, sát sao và sự chuẩn bị của Chính phủ. Nhưng có lẽ chỉ một mình Thủ tướng là không đủ.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân là sứ mệnh hết sức quan trọng mà Bộ Y tế vinh dự được tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức này cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”.
Và chúng ta đang cần một cuộc "hồi sức", cấp cứu cho bệnh viện tuyến đặc biệt. Bởi chỉ cần Bệnh viện ngưng hoạt động thì cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là bệnh nhân đang điều trị. Bệnh tật đã khổ sở quá rồi!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp