Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ ở các tỉnh phía Nam, anh bạn tôi đang làm công nhân trong một khu công nghiệp ở Bình Dương đã cùng vợ con khăn gói về quê tránh dịch.
Sau gần 3 tháng ở quê, vợ chồng anh không muốn trở lại Bình Dương nữa. Hiện vợ anh đã tìm được công việc mới trong một xưởng may gần nhà. Con trai anh bắt đầu đi học ở trường tiểu học của xã. Anh nói sau dịch sẽ vào Bình Dương thu xếp công việc để về quê ở hẳn. Theo anh, công việc ở quê bây giờ cũng nhiều, thu nhập cũng không thua kém bao nhiêu so với làm công nhân trong Nam. Quan trọng hơn, anh được sống gần bố mẹ, anh chị em, điều mà hơn hai chục năm qua anh không làm được.
Anh bạn tôi chỉ là một trong số gần hai chục người trong thôn vào miền Nam làm công nhân từ hơn 20 năm trước. Thời điểm đó, vào Nam làm công nhân là lựa chọn của không ít thanh niên địa phương do nhiều người không có điều kiện học lên cao, cả huyện cũng không có bất kỳ nhà máy hoặc xưởng sản xuất nào để xin vào làm việc. Sau hơn 20 năm bươn chải nơi đất khách quê người, số lần về quê của vợ chồng anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi anh cưới vợ cũng chỉ có vài người ngoài quê vào dự. Vợ anh sinh con cũng chẳng có ai vào hỗ trợ. Xa xôi cách trở, đồng lương công nhân của hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện nên về thăm nhà là điều anh ít dám nghĩ tới. Những năm gần đây, dù biết kinh tế quê hương ngày càng phát triển, tìm việc làm ở quê cũng dễ dàng hơn nhưng do đã quen với công việc và cuộc sống ở miền Nam nên anh chưa tìm được lý do để về.
Trong đợt "di dân" khổng lồ vừa qua, có không ít người Hải Dương từ miền Nam về quê tránh dịch. Sau một thời gian ở quê, nhiều người trong số đó quyết định ở lại quê hương. Anh bạn tôi lý giải ở quê bây giờ kiếm việc cũng dễ và nếu xảy ra vấn đề gì thì cũng dễ xoay xở hơn vì có anh em, hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau chứ không phải trông chờ vào chính quyền như khi xa quê.
Không ai muốn xa bố mẹ, anh chị em để bươn chải kiếm sống nơi đất khách quê người để rồi khi dịch bệnh xảy ra, hàng nghìn người lại lũ lượt kéo nhau về quê tránh dịch. Hơn chục năm qua, cùng với sự phát triển của cả nước, kinh tế Hải Dương có nhiều bước đột phá. Toàn tỉnh hiện có 11 khu công nghiệp, hơn 30 cụm công nghiệp đang hoạt động cùng hơn 10.000 doanh nghiệp đã được thành lập, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Thanh niên nam nữ giờ không còn phải lên Hà Nội, ra Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc lặn lội vào Nam mới kiếm được việc làm nữa. Nhà máy, xí nghiệp được mở ở khắp nơi trong tỉnh. Lao động nông thôn có thể dễ dàng tìm việc ngay tại quê nhà. Giờ đây, họ có thể ly nông nhưng không cần phải ly hương như trước. Nếu không kiếm được việc ở gần nhà thì nhiều doanh nghiệp đã bố trí xe đưa đón để buổi tối công nhân có thể về với gia đình, có thời gian chăm sóc con cái. Vì thế, người lao động vừa có việc làm, vừa gắn bó với quê hương nên họ yên tâm lao động sản xuất, cùng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Kinh tế Hải Dương ngày càng phát triển. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đã được thành lập nên nhu cầu lao động là rất lớn. Chứng kiến cảnh đoàn người rồng rắn rời khỏi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... về quê tránh dịch có thể thấy việc chăm lo nơi ăn, chốn ở cho người lao động thực sự rất quan trọng. Hải Dương cần sớm có những giải pháp căn cơ để giúp người lao động nông thôn Hải Dương có thể mưu sinh tại chính quê hương mình, không phải kéo nhau ra thành phố làm việc; người lao động ở mọi miền cũng có thể trở về làm việc ngay tại quê nhà. Có như thế, nông thôn Hải Dương mới ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Theo HaiDuongonline