Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nhà bếp của thế giới
30 năm gắn bó với ngành nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên, được mệnh danh là "ông hoàng hữu cơ" bởi khát vọng đưa nông sản hữu cơ Việt chinh phục thị trường quốc tế. Hiện tại 65% sản phẩm Vinamit có mặt tại Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, các nước châu Âu, Bắc Mỹ...
Trong hành trình gây dựng Vinamit từ năm 1991 đến nay, vị chủ tịch Nguyễn Lâm Viên đã nhiều lần đối mặt với khủng hoảng, biến cố nhưng chưa khi nào bị ảnh hưởng lớn như đại dịch COVID-19 này.
Trong một talkshow do VnExpress tổ chức, ông cho biết doanh nghiệp của mình mất gần 30% doanh số, thị trường xuất khẩu tại chỗ bị đóng cửa ngay lập tức, thị trường nội địa cũng giảm sút. Các đối tác, khách hàng không muốn tồn kho nhiều nữa, đồng nghĩa với việc Vinamit đang phải giữ tồn kho cho họ và khiến tốc độ bán chậm đi.
“Khi đại dịch bắt đầu xảy ra thì tôi đã nhìn thấy khủng hoảng rồi. Những người có kinh nghiệm luôn nhìn khủng hoảng không phải một thời gian ngắn như một tháng tháng hay một năm, mà nó phải là 3-5 năm", ông Viên cho biết.
Điểm quan trọng nhất khi xảy ra biến cố là lập tức đề nghị các phòng ban xem lại, điều chỉnh kế hoạch tài chính, chi tiêu theo biến phí thay vì định phí. Điều này có nghĩa rằng mọi chuyện đều phải tùy thuộc vào việc mình bán được thì mới chi tiêu.
Showroom Vinamit tại Bình Dương. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Từng chia sẻ kinh nghiệm thành công nhằm lan tỏa nhiệt huyết kinh doanh và khát vọng đưa nông sản Việt chinh phục thế giới, tuy nhiên, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Lâm Viên nhận định ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt. "Một thực tế là tất cả nông sản của chúng ta bị rớt giá, bởi thị trường đang thay đổi phương pháp mua bán. Nông sản từ Việt Nam ứ đọng. Cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa ổn định, mức giá vẫn thấp", CEO Vinamit nhận định.
Theo vị CEO, nếu các đơn vị trong ngành chọn con đường mua bán theo cách cũ sẽ không còn phù hợp. Các bên đều phải thay đổi phương pháp, làm ăn có kế hoạch, bài bản hơn. Bên cạnh đó, một phân khúc thị trường đã bùng nổ và không đủ hàng để bán là nhóm hàng nông sản thuận tự nhiên. "Người ta bắt đầu chăm lo cho sức khỏe, người ta chăm lo đến hệ miễn dịch, làm sao để sống thuận tự nhiên, sống lâu hơn, để chống đỡ với dịch bệnh...", ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Nói về tương lai của nông sản tự nhiên, CEO Vinamit khẳng định Việt Nam có thể làm nhà bếp của thế giới. Hậu Covid-19, lượng khách về Việt Nam sẽ gấp hai lần. Một phần vì họ tin Việt Nam còn nhiều nhiều thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe, giá rẻ. Đây là cơ hội cho Việt Nam đưa thực phẩm vì sự sống đó ra thế giới.
"Việt Nam có thể đi chợ thay các gia đình trên khắp thế giới bằng cách giới thiệu cho họ những món ăn giàu sức sống của mình. Đây cũng là hướng đi mà nhiều bạn trẻ đã nhận ra. Tương lai của ngành nông nghiệp và thực phẩm đang thuộc về giới trẻ", vị CEO nhận định.
Đối với thế hệ tiếp nối này, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng họ đang nuôi dưỡng khát vọng lớn. Nếu được định hướng, dẫn dắt tốt, doanh nghiệp của họ có cơ hội vươn xa. "Tuy nhiên, các bạn phải có người dẫn dắt định hướng. Lĩnh vực nông nghiệp cần phải có phương pháp, cần kiến thức, trải nghiệm. Họ cũng cần những người kinh nghiệm để giúp đỡ, cần tiền để đầu tư thì mới có thể gặt hái", vị doanh nhân chia sẻ.
“Không có gì lãi bằng nông nghiệp bởi khi bạn làm ra nông trường mà còn không có đầu vào, thì chắc chắn lãi. Nhưng phải có người định hướng. Bởi làm nông nghiệp cần phương pháp, cần kiến thức, trải nghiệm, cần tiền để đầu tư đầy đủ.” Đồng thời phải có sự kiên trì và bền bỉ với con đường đã chọn.
Đối mặt với khó khăn
Cuộc khủng hoảng vừa qua đã cho ông Viên thấy, khi xử lý khủng hoảng, vai trò lãnh đạo là quan trọng nhất. Phải làm sao để có tầm nhìn lường trước được hết, đưa ra những kịch bản dù cần hy sinh. Cần nhìn vào thực tế vấn đề, đừng giấu diếm hay màu mè. Nếu không, vô hình trung bạn sẽ làm ảnh hướng đến tâm lý nhân viên, họ không nhận thức được tình hình khó khăn hiện tại.
Từ kinh nghiệm từ bản thân, vị CEO dành lời khuyên cho giới trẻ là phải sống thật, đối mặt với khó khăn và bền bỉ để vượt qua nó. Ông cho rằng một doanh nhân thường trải qua 3 lần rơi xuống đáy và 3 lần có vị thiên thần kéo mình lên.
Nông trại Vinamit Organic Farm nằm tại thị xã Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vinamit
“Cuộc đời của một doanh nhân giống như hình sin, đi lên rồi phải đi xuống. Cuộc đời doanh nhân không bao giờ là đường thẳng, chúng ta không được mơ mộng hão huyền về việc đó. Mình phải nhớ rằng cần bình thản khi đang ở đỉnh cao và bình tĩnh khi đang xuống dốc”, Chủ tịch Vinamit nhắn nhủ.
“Khi đã rớt xuống đáy thì mình phải liều để đi lên. Nếu trong lúc rớt xuống mà còn cố bám víu vì tình cảm, vì danh dự, vì sĩ diện thì sau đó sẽ không còn sức nữa. Nên thừa nhận rủi ro của mình, chấp nhận thất bại, đối mặt với nó, cho nó rớt xuống đúng cái đáy thì khi ấy, dẫu gì đi chăng nữa chúng ta vẫn còn sức để đi lên.
Cũng phải luôn luôn chuẩn bị, dưỡng sức khỏe để cho dù rớt xuống đáy vẫn có sức để đi lên bằng đôi bàn tay, đôi chân của mình. Đó chính là ý chí, sự kiên cường của doanh nhân", ông Viên nói./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp