Đây chính là quan điểm nhất quán trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CTTG trong suốt 93 năm xây dựng, trưởng thành của ngành tuyên giáo (1-8-1930 / 1-8-2023); cũng là đòi hỏi cấp bách, cần kíp từ thực tiễn.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTG trong tình hình mới, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đặc biệt là sớm quan tâm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực cho CTTG ở cơ sở.
Ảnh minh họa: Báo Công lý |
1. Nhiều năm trước đây, trong tổ chức biên chế của cán bộ xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) luôn có biên chế cứng cán bộ tuyên giáo (CBTG), thậm chí vị trí công tác này còn được cơ cấu vào ban thường vụ đảng ủy xã... Thế nhưng, những năm gần đây, trước xu hướng đẩy mạnh tinh giản biên chế, vị trí này chỉ được đảm nhiệm kiêm nhiệm, càng không được cơ cấu tham gia ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy. Thành thử, hiệu quả tiến hành CTTG ở cơ sở bị chi phối; vai trò, vị trí CBTG ở cơ sở bị thuyên giảm, xem nhẹ; đặt ra nhiều băn khoăn, lo ngại về chất lượng, hiệu quả của một mặt công tác quan trọng của Đảng.
Lý luận chỉ rõ: CTTG, nhất là công tác tư tưởng phải được vận hành, làm tốt từ cơ sở. Trong đó việc tuyên truyền, vận động, phát huy sức dân, xây dựng "thế trận lòng dân" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, công bằng mà nói, do lực lượng mỏng, lại là vị trí kiêm nhiệm nên dù cán bộ phụ trách CTTG đã thực sự nỗ lực nhưng ở nhiều nơi hiệu quả hoạt động chưa đạt như mong muốn. Các vấn đề về nắm dư luận xã hội, tâm lý cộng đồng, tâm trạng đám đông, nhất là việc nắm bắt, khống chế, xử lý tin đồn thất thiệt ở cơ sở thường chưa kịp thời, thiếu hiệu quả. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bức xúc trong dân, hình thành điểm nóng ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, chỉ cán bộ ở cơ sở, trong đó có CBTG là lực lượng trực tiếp, có đủ điều kiện, khả năng, kinh nghiệm để bám nắm, kịp thời phát hiện những biểu hiện tư tưởng tiêu cực, những vấn đề nảy sinh từ lúc "phôi thai", chủ động phòng ngừa, kịp thời uốn nắn, định hướng, giải quyết; không để phát triển thành "dị tật" của bệnh tư tưởng và "ngòi châm" cho những điểm nóng dư luận. Ấy nhưng, do nhiều yếu tố chi phối, đội ngũ CBTG cấp xã hiện nay chủ yếu kiêm nhiệm, hoặc bán chuyên trách. Trong khi, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế ở cấp xã và các cấp trực thuộc tác động không nhỏ đến số lượng, chất lượng và tâm lý, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ CBTG ở cơ sở.
Vì nhân lực làm tuyên giáo ở cơ sở mỏng, thiếu và yếu, dẫn đến thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực dành cho mặt công tác này bị chi phối rất lớn. Nói cách khác, do CBTG yếu hoặc thiếu nên dễ dẫn đến tình trạng buông lỏng, xem nhẹ CTTG ngay từ cơ sở. Hệ lụy là nhiều người dân thiếu hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước.
Có nơi vì thiếu thông tin chính thống nên người dân dễ rơi vào hoang mang, dao động, dễ bị các lực lượng thù địch, chống phá lôi kéo, mua chuộc hoặc lợi dụng thực hiện các mưu đồ chính trị xấu xa. Từ việc giải quyết các điểm nóng ở Tây Nguyên (2001, 2004), Bình Thuận (2018) và nhiều điểm nóng khác cho thấy bài học nhãn tiền là công tác tư tưởng ở những nơi này có thời điểm rơi vào thụ động, thiếu linh hoạt, nhất là việc không kịp thời cung cấp, định hướng thông tin chính thống... là những nguyên nhân cốt tử gây ra điểm nóng và sự phức tạp về an ninh chính trị trên địa bàn.
Không những vậy, vì CBTG ở cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm nên CTTG ở cơ sở gần đây có chiều hướng tập trung xử lý những vấn đề cụ thể, vụn vặt, vuốt đuôi, tính dự báo thấp, lúng túng; chưa thực hiện tốt phương châm "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết"; chưa kết nối các nguồn lực, các lực lượng để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho CTTG ở cơ sở. Điều đó dẫn đến công tác tham mưu của ngành tuyên giáo ở cơ sở cho cấp ủy, chính quyền về một số nhiệm vụ, lĩnh vực thiếu kịp thời, chưa nhạy bén, kém hiệu quả; công tác tư tưởng có thời điểm thiếu sắc bén, tính thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu hạn chế...
Đặc biệt, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí buông lỏng, lãng quên. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch ở cơ sở còn thụ động, hiệu quả không cao... Tất cả điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả CTTG của toàn ngành trong điều kiện mới.
2. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở kiến nghị, việc chăm lo, đầu tư nguồn lực cho CTTG trong điều kiện mới cần nhất quán quan điểm CTTG nói chung, công tác tư tưởng nói riêng phải lấy hiệu quả từ cơ sở làm trọng, làm nền tảng, gốc rễ. Theo nghĩa đó, muốn CTTG có chất lượng thì phải đặc biệt chăm lo, đầu tư nguồn lực tương xứng cho cơ sở, nhất là về nhân lực tiến hành CTTG. Cùng với phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, thì nên chăng, cần bố trí cán bộ chuyên trách CTTG mới có thể đảm đương, hoàn thành các phần việc khó, phức tạp, nhất là công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền, vận động quần chúng, đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" từ cơ sở...
Khảo sát đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm CTTG ở cấp xã cho thấy, đội ngũ này nhận thức khá đúng, đủ về vị trí, vai trò của CBTG cấp xã nhưng phần lớn đều bày tỏ những trăn trở, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ cho rằng, với khối lượng công việc rất lớn, đầu việc đa dạng, phức tạp, các quy trình, thủ tục tiến hành CTTG chặt chẽ, khoa học, đòi hỏi phải có cán bộ chuyên trách ở lĩnh vực này. Không những vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đặt ra yêu cầu cao về chất lượng nhân sự làm CTTG ở cơ sở; nên có chủ trương cơ cấu CBTG cấp xã tham gia ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ xã và quy hoạch là nguồn kế cận, kế tiếp ở cơ sở.
Từ thực tiễn cơ sở nêu trên, đòi hỏi cấp ủy, người đứng đầu và cơ quan chức năng cần nhìn nhận đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của cán bộ làm CTTG ở cơ sở. Trong khi nhất quán chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì đồng thời kết hợp, coi trọng lựa chọn, luân chuyển cán bộ, ưu tiên con người chất lượng cao cho ngành tuyên giáo ở cơ sở.
Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, bổ sung các chế độ, chính sách thụ hưởng thỏa đáng cho đối tượng cán bộ này, giúp họ yêu nghề, toàn tâm toàn ý với cương vị, chức trách được giao. Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm CTTG; bảo đảm CBTG được đào tạo bài bản, chính quy, trung thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn; tăng cường tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, “truyền lửa nghề” giữa các lớp thế hệ cán bộ lâu năm với cán bộ trẻ; giữa cán bộ làm CTTG ở Trung ương với CBTG ở cơ sở...
Khi bàn về vai trò của CTTG và đội ngũ cán bộ làm CTTG, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đội ngũ CBTG và công tác tuyên truyền được xem như là một mặt trận tư tưởng chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, lạc hậu và ủng hộ cái mới, cái tốt, cái tiến bộ, khơi dậy ý chí và động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, làm cho “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”.
Với tầm quan trọng như vậy, đòi hỏi các cấp ủy, hệ thống chính trị và ngay cả những người làm CTTG cần có nhận thức thống nhất về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CTTG và CBTG. Cần quyết liệt nhận diện, uốn nắn, khắc phục triệt để tình trạng phó thác, khoán trắng công tác tư tưởng nói riêng, CTTG nói chung cho ngành tuyên giáo và đội ngũ CBTG ở cơ sở. Phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của các cấp về việc quan tâm, đầu tư các nguồn lực, nhất là ngân sách và con người cho hoạt động CTTG ở các cấp, đặc biệt là ở cơ sở để tương xứng với vai trò, vị trí, yêu cầu nhiệm vụ của CTTG và ngành tuyên giáo trong tình hình mới.
Nguồn QĐND