Soi mói đời tư, tin nhảm “lên ngôi”
Ngày 2-6, chúng tôi truy cập trang tin “e…đ…”, một trang chuyên về chuyện làm đẹp dành cho phái nữ. Ngay từ giao diện chính của mục chủ đề “hot” là 3 tin liên tiếp soi mói về đời tư các đại gia quanh chuyện ngàn tỷ và nợ nần, như: “Nữ đại gia kiện bà P.H…”, “Đại gia P.H. livestream”…
Tương tự, ở trang tin A. chuyên về đời sống và mẹo vặt gia đình, ngay mục hot nhất là tít “H.L. dính lùm xùm 14 tỷ từ thiện”, và khi click vào tin, trang tiếp tục hiện ra hơn 35 bài viết quanh câu chuyện này và đời sống cá nhân nghệ sĩ H.L.
Ghi nhận vào ngày 3-6, trang tin K., được giới thiệu là chuyên về đời sống giới trẻ, ở mục “Đang được quan tâm” có 6 tin thì đã 3 tin ăn theo chuyện ồn ào của giới nghệ sĩ như: “Status văng tục của nghệ sĩ…” (178.360 lượt xem - view), “Lộ giấy vay nợ 5 tỷ của nghệ sĩ H.L.” (244.950 view), “Bà P.H. bóc phốt ca sĩ…” (190.456 view)…
Chuyên mục “Ký sự pháp đình” hay “Câu chuyện pháp luật” từ lâu là những mục khá được quan tâm trên các báo và trang tin về pháp luật. Đây là một cách để giáo dục và nâng cao ý thức của người dân về luật pháp bằng chính những câu chuyện có thật từ tòa án. Tuy nhiên, mục này giờ trở thành “miếng mồi ngon” để câu view trên một số báo, đài và trang tin. Gõ từ khóa “Ký sự pháp đình”, “Câu chuyện pháp luật” lên công cụ tìm kiếm Google, lập tức có 139 triệu kết quả trong chưa đầy một giây, trong đó có nhiều video dựng lại tình huống của đài truyền hình V. Những cái tít… hết hồn về tình yêu éo le như chị dâu - em chồng, em dâu - anh rể, quý bà - trai trẻ… Những tình huống tình cảm éo le dẫn đến hành vi phạm tội rợn người được dựng lại một cách chi tiết, thu hút từ hàng chục ngàn đến cả triệu view mỗi video.
Những trang tin online với tít, bài vở đậm chất câu view. Ảnh: SGGP
Chỉ một dòng trạng thái vô thưởng vô phạt về việc “mất đôi giày phong thủy” cùng lời đề nghị chuộc lại với số tiền 50 triệu đồng trên trang cá nhân của D.N., ấy vậy mà các trang tin online thi nhau viết như một sự kiện gây chấn động dư luận. Còn nhân vật chính thì sau đó cảm thán với giọng điệu đầy mỉa mai: “Cuộc đời tui tồn tại 36 năm lần đầu tiên mới thấy một người bị mất đôi giày cũng bị lên báo nữa. Không biết nên vui hay nên mừng, khóc hay cười, thiếu điều muốn quỳ lạy báo luôn”.
Thực ra, D.N. chẳng phải người nổi tiếng. Anh chỉ là một gymer, được biết đến từ đám tang của nghệ sĩ Chí Tài, khi có những lời lẽ không hay với người đã khuất. Bức xúc vì hành động vô lễ này, hàng trăm người đã đến tận phòng gym của D.N. (quận Bình Tân, TPHCM) đòi “trị tội”. Câu chuyện này từng gây náo loạn khu phố lẫn mạng xã hội. Bẵng đi một thời gian, D.N. trở thành Hot Facebooker, nhất cử nhất động đều được các trang tin “chăm sóc” kỹ lưỡng không khác một ngôi sao trong giới giải trí!
Chẩn trị bằng luật pháp
D.N. không phải là trường hợp hiếm hoi trở thành “miếng mồi” để câu view cho các trang tin điện tử. Rất nhiều người đã trở thành nhân vật cho các trang tin này chỉ vì… cắn lưỡi chảy máu khi ăn bánh tráng trộn, mất đồng hồ trị giá hàng tỷ đồng, ngồi một mình giữa 3 cái ghế sắt… Đặc biệt, khi một nghệ sĩ nào đó qua đời, lập tức các trang tin đổ xô “ra trận”, thu thập tất tần tật những thông tin, hình ảnh liên quan (hoặc không cần liên quan) đến người đã khuất. Họ đi sâu vào khai thác đời tư của nghệ sĩ rồi phơi bày trên báo mà không cần biết những hệ lụy có thể xảy ra.
Theo anh Phan Nam (ngụ quận 6, TPHCM), hiện nay bên cạnh báo chí chính thống, có quá nhiều trang tin hoạt động một cách tự do, dễ dãi dẫn đến việc đưa tin nhảm, tin xạo nhằm mục đích câu view, lượt thích (like). Điều đáng nói là những trang tin này được thiết kế về hình thức rất bắt mắt và na ná website của các tờ báo chính thống. Dần dà, người đọc hiểu lầm các trang tin đó chính là báo chí chính thống. “Điều này rất tai hại cho độc giả, nhất là giới trẻ. Việc họ tiếp cận với lối đưa tin đó sẽ làm cho họ có cảm giác báo chí chỉ toàn đưa những tin vặt vãnh, chuyện cá nhân, riêng tư; thậm chí không còn tin vào tiếng nói của báo chí bởi sự nhầm lẫn này”, anh Phan Nam bày tỏ.
Điều đáng báo động hiện nay đối với những trang tin online chính là khai thác sâu quá mức vào đời tư của những nạn nhân bị xâm hại tình dục, kể cả tội phạm của một vụ án nào đó. Dưới góc độ xã hội học và tâm lý, TS Phạm Thị Thúy cho rằng, việc báo chí đang khai thác quá sâu vào đời tư của một nhân vật nào đó là thực trạng có thật và có hại cho những người liên quan. “Chẳng hạn, bố mẹ phạm tội mà tất cả những thông tin đời tư của họ bị khai thác, phơi bày trên báo chí hay các phương tiện truyền thông thì con cái chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, TS Phạm Thị Thúy lo ngại.
“Bên cạnh nạn nhân và người thân của họ, một đối tượng khác cũng chịu tác động không nhỏ từ các bài viết có nội dung nhảm nhí, tiêu cực chính là người đọc. Các thông tin trên mạng, trên báo chính thống hay phi chính thống hiện nay đang là món ăn cho mọi người. Nếu vô tình chúng ta ăn phải đồ ăn bẩn, độc hại, chắc chắn chúng ta sẽ bị nhiễm độc. Thông tin cũng vậy, nó có thể làm cho người đọc nhiễm độc. Gần đây có khái niệm “Hội chứng Fomo”, là hội chứng sợ bị mất tin tức trên mạng, làm cho người ta phải online suốt ngày. Và việc giật tít, câu view, khai thác quá đà của báo chí cũng là nguyên nhân tạo nên hiện tượng này”, TS Phạm Thị Thúy nói.
Một trong những hệ lụy từ cách đưa tin bài của các trang tin online như hiện nay, theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, là tạo ra cảm giác tiêu cực, phẫn uất tập thể, để rồi tập thể ấy sẽ lại trút giận lên ai đó bất kể lý do gì. Hiện tại chúng ta mới quy hoạch về mặt chính sách nhằm hạn chế những trang tin online nhảm; tuy nhiên vẫn chưa quản lý hết được các YouTuber, Facebooker cùng hàng trăm phương tiện khác.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Giải pháp ở đây không phải quy hoạch mà là quản lý. Chúng ta công nhận sự tồn tại, và quản lý các trang thông tin này một cách chặt chẽ sẽ tốt hơn là quy hoạch. Hiện tại, ranh giới giữa người làm nghiệp vụ truyền thông và việc chia sẻ thông tin cá nhân đang bị mập mờ, chồng lấn. Thực trạng này đang đặt ra một mối quan hệ rất mới, không đơn thuần là mối quan hệ theo chiều dọc từ trên xuống, mà là mối quan hệ đa dạng, phức tạp”.
Tạo sức đề kháng với thông tin độc hại
Theo TS Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, việc vàng thau lẫn lộn trong văn hóa, dễ dãi trong tiếp nhận sản phẩm cẩu thả, thậm chí sai lệch về thẩm mỹ, nghệ thuật ngày càng rõ rệt không phải do sự cởi mở hơn trong quản lý, chưa mạnh về hậu kiểm, mà do việc vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chậm, có lúc còn lúng túng (có nơi còn dễ dãi, dung túng) trong xử lý, làm đạo đức và văn hóa ngày càng bị nhiễu loạn, lệch chuẩn.
Để tạo “lá chắn” cho người dân, đặc biệt là trẻ em và các bạn trẻ, việc vào cuộc của các cơ quan chức năng phải kịp thời. Bên cạnh đó, cần có dự báo và lường trước các tình huống để cảnh báo xã hội. Hơn ai hết, những người lãnh đạo cơ quan, công sở, người lớn cần phải nêu gương, có trách nhiệm hơn, có đời sống mẫu mực hơn, cần phát huy vai trò của gia đình và xã hội, trong đó trường học cần tăng cường giáo dục những kiến thức công dân về trách nhiệm, về đạo đức…
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, thời đại số đã trao cho mỗi người tham gia mạng xã hội quyền được phát thông tin bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Các thông tin này đến từ mọi tầng lớp xã hội nên hình thức và nội dung rất đa dạng. Điều này thu hút sự chú ý của công chúng. Việc giao tế trong xã hội đã chuyển từ không gian vật lý lên không gian mạng. Hai thế giới này có liên hệ với nhau như hai mặt không tách rời của một đồng xu, chính vì thế, các nguyên tắc hành xử văn minh nơi công cộng, trong giao tiếp ngoài đời thực cũng phải được áp dụng trên không gian mạng. Do vậy, việc ban hành một bộ quy chế ứng xử trên mạng xã hội chung, để đảm bảo hành xử văn minh, phòng chống gian lận và tội phạm trên mạng là điều cần thiết.
Muốn tránh xa những sự lôi kéo xấu xa này, người trẻ nên tự trang bị cho mình nhiều thú vui lành mạnh như đọc sách, xem phim, tập thể thao, nghiên cứu khoa học… Chúng ta cần trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên ngay từ trường học cũng như có các lớp thảo luận trên lớp, trong câu lạc bộ, kênh truyền thông đại chúng để tạo “sức đề kháng” cho mỗi người./.
Nguồn SGGP