Thanh Hà/VOV.VN
Ngày 27/10, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Lời cảnh tỉnh với các cơ quan chống tiêu cực
Đánh giá về ý nghĩa của Quy định 131, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, đó là: không có vùng cấm, không có ngoại lệ; làm kiên quyết, không có nể nang, không chịu bất kỳ sức ép nào.
Báo cáo tại phiên họp 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực đã bị phát hiện có sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý, trong đó, hơn 60 trường hợp phải xử lý hình sự. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực bị kỷ luật, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.
Dẫn lại thông tin này, ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cho rằng, trong bối cảnh thực tế là ngay trong chính các cơ quan thực hiện nhiệm vụ thường trực phòng chống tham nhũng tiêu cực đã có một bộ phận cán bộ dính líu, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, việc ban hành Quy định 131 mang ý nghĩa rất quan trọng, nó như một sự răn đe, cảnh tỉnh.
“ Quy định 131 xuất phát từ thực tiễn là có sự tiêu cực trong chính các cơ quan chống tiêu cực; có sự tác động rất mạnh mẽ từ các lực lượng bên ngoài trong hệ thống chính trị đến các cơ quan này khi thực hiện nhiệm vụ”, ông Lê Văn Thái nhận định.
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, Quy định 131 được ban hành như một mệnh lệnh buộc các cơ quan làm nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực phải chấn chỉnh ngay nội bộ cơ quan mình, cán bộ của mình. Đặc biệt, Quy định nhằm ngăn chặn “vòi bạch tuộc” tham nhũng tiêu cực can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng tiêu cực thông qua các quan hệ của cấp trên, quan hệ thân thích để tác động làm “méo mó” sự việc.
Cùng với đó, Quy định 131 còn mang ý nghĩa cảnh báo để làm giảm áp lực từ bên ngoài vào các cơ quan chống tham nhũng tiêu cực; tạo ra luồng dư luận xã hội, giám sát xã hội để giảm áp lực lên các cơ quan này. Đặc biệt, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải bảo đảm để các cơ quan hoạt động bình thường, bởi đã có ý kiến cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều đang làm cản trở hoạt động thường xuyên của các cơ quan bị thanh tra, kiểm tra.
Kiểm soát chặt cả cơ quan chống tiêu cực
Quy định 131 chỉ rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình; báo cáo kịp thời, trung thực, khách quan, đầy đủ ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau…
Quy định 131 cũng nghiêm cấm các hành vi can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; thiết lập quan hệ để hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích chạy tội, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm…
Theo ông Lê Văn Thái, các quy định không mới, đã được chỉ ra trong nhiều văn bản của Đảng, nhưng mang ý nghĩa cảnh báo, răn đe rất lớn với các cán bộ trong các cơ quan làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng như với cơ quan, cá nhân cố tình can thiệp vào hoạt động của cơ quan chống tiêu cực.
Nhấn mạnh việc ban hành Quy định mới dành riêng cho hệ thống cơ quan, cán bộ trực tiếp chống tham nhũng tiêu cực cho thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có bước cụ thể hóa rõ hơn, cụ thể hơn đối với các cán bộ thực thi nhiệm vụ này. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng nếu thực hiện tốt Quy định này sẽ góp phần kiểm soát quyền lực tốt hơn, trước hết là kiểm soát ở chính những cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bảo vệ, thực thi pháp luật; tức là cơ quan chống tiêu cực cũng phải được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy định này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, trước hết, các cơ quan chống tiêu cực phải quán triệt sâu sắc những yêu cầu Bộ Chính trị đặt ra đối với mình. Bởi nhiều hành vi tiêu cực, ví như hiện tượng chạy chức, chạy quyền đã được nói đến nhiều nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu, chưa thực sự ngăn chặn được hành vi này, tức là những cơ quan chống tiêu cực, cán bộ chống tiêu cực vẫn còn để hoặc bị người khác “chạy” mình. Đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải chỉ ra ai là người chạy chức chạy quyền, và chạy đến ai, đến cơ quan nào …
“Tôi tin là khi các cơ quan, cán bộ chống tiêu cực nhận thức được rõ, thì vấn đề “ai chạy, chạy ai” sẽ được sáng tỏ. Phải giữ cho hệ thống cơ quan này thực sự trong sạch, đáng tin cậy, có vậy mới tiếp tục nâng cao được hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và các cơ quan chống tham nhũng tiêu cực nói riêng”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Mặt khác, khi thực hiện quy định này, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cần đi đôi với sự kiểm soát toàn diện chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, từ cấp trung ương tới địa phương. Bởi nếu để cho các cơ quan chống tiêu cực nằm ngoài vòng kiểm tra, giám sát, sẽ tạo điều kiện để những cơ quan đó trở thành một nơi rất “đặc biệt”, với quyền lực “đặc biệt”, có quan hệ “đặc biệt” dễ khiến bị lợi dụng. Đương nhiên, những cơ quan, cán bộ làm công tác chống tiêu cực phải là những người, những nơi hết sức tin cậy, được rèn luyện và tín nhiệm để làm trong các cơ quan đó, nhưng cũng không tránh được những cán bộ lập trường không vững vàng, dễ bị lôi kéo, sa ngã.
Thanh Hà/VOV.VN