Sau khi khống chế vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, cảnh sát kiểm tra bên trong và phát hiện nhiều người mắc kẹt không thể ra ngoài. 12 người được xác định tử vong trong vụ cháy.
Vụ cháy quán karaoke An Phú trên đường Trần Quang Diệu, TP Thuận An (Bình Dương) đã để lại một hậu quả quá thảm khốc. Xác nhận từ ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đến sáng nay 7.9, 12 người đã chết. 2 nạn nhân bị thương rất nặng đang được cấp cứu.
Đêm 6.9, sau khi đám cháy được dập tắt, cảnh sát PCCC đã mang bình oxy cứu được một số người trên nóc quán. Nhưng khi vào bên trong quán thì phát hiện một số người bị mắc kẹt trong các phòng hát ở các tầng. Họ đã không còn sống nữa.
Vì sao các vụ cháy quán karaoki luôn dễ cháy, cháy luôn lớn và hậu quả rất dễ trở thành thảm họa?!
Trung tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC có lần giải thích: Các phòng karaoke thường rất kín, mặt trước của nhà bị biển quảng cáo che chắn. Vật liệu trang trí nội thất và cách âm trong các cơ sở này thường rất dễ cháy như mút, xốp, cao su, phông rèm.
Cho nên, mỗi khi xảy cháy, tốc độ cháy lan rất nhanh. Và với điều kiện thông gió gần như bằng 0, khi xảy ra cháy sẽ ngay lập tức bị tụ khói, tụ khí độc. Và ngạt khói, ngạt khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ cháy.
Trung tá Việt cũng nói về một nguyên nhân rất phổ biến là: Các quán karaoke đa phần được thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán hát nên không đáp ứng được điều kiện đảm bảo an toàn PCCC.
Toà nhà bịt bùng, với toàn những vật liệu dễ cháy, một cửa vào ra, không lối thoát nạn, không thông gió… Và khi cháy, lửa bùng phát dữ dội, để lại những hậu quả hết sức đau lòng. Mô tuýp này gần như lặp đi lặp lại ở các đám cháy xảy ra tại quán karaoke.
Sau vụ cháy ở Quan Hoa, Hà Nội đã có động thái là vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn mở "lối thoát thứ hai"
Điều đó khó, với thực tế nhà ở của người dân trong các đô thị. Cái khó, thể hiện ngay trong hai chữ “vận động”. Nhưng đối với một cơ sở kinh doanh như quán karaoke, có lẽ, lối thoát nạn, điều kiện thông gió... phải trở thành những quy định bắt buộc.
Bởi, thà có thêm một sự ngặt nghèo, còn hơn là để xảy ra những tai nạn quá thảm khốc như... vô số mà chúng ta đã phải chứng kiến./.
Theo LĐO