Chi bộ bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa có 10 đảng viên, trong đó hơn 1 nửa là người Mã Liềng. Ông Hồ Xuân, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cà Xen nhớ lại giây phút vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hồi trước, nhà Hồ Xuân nghèo lắm, cơm ăn bữa đói bữa no. Cả bản Cà Xen cũng rất nghèo bởi tư duy sản xuất còn lạc hậu, lối sống du canh du cư, “phát, đốt, cốt, trỉa” làm cho dân bản nơm nớp nỗi lo về cái ăn. Nhưng nay đã khác, con đường bê tông trải dài từ đầu đến cuối bản, những ngôi nhà gỗ, nhà xây ngói đỏ mọc lên 2 bên, bà con đã định cư, biết trồng rừng, trồng lúa nước, cuộc sống khấm khá hơn.
Hồ Xuân là người đầu tiên trong bản viết đơn xin thoát nghèo. Gia đình Hồ Xuân trồng 4 héc ta rừng, trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, nuôi bò, thu nhập ổn định, không những thoát nghèo mà còn làm được nhà, mua tivi, xe máy, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Hồ Xuân được kết nạp vào Đảng, lại được bà con trong bản tin tưởng bầu làm Trưởng bản. Từ đó, Hồ Xuân càng phát huy vai trò người đảng viên, giúp đỡ, bày cách để bà con cùng thoát nghèo. Ông quan niệm phải gương mẫu thoát nghèo trước, giúp đỡ bà con trong bản cùng vươn lên là trách nhiệm của người đảng viên.
“Mình được đi học hỏi, được đi tập huấn tham quan các mô hình ở khắp nơi, thấy người ta làm ăn như thế nào thì về bản mình tuyên truyền, bày vẻ cho bà con cùng làm. Ví dụ trong bản có 1, 2 hộ thoát nghèo thì bà con mình cũng thi đua nhau để cùng làm, cùng đỡ đi cái đói nghèo.”
Anh Hồ Bợt, ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa vừa ở rừng keo trở về nhà. Thấy ông Hồ Xuân tới chơi, anh đon đả mời vào nhà uống nước, rồi trải lòng. Ai mà chẳng muốn thoát nghèo, nhưng thoát nghèo bằng cách nào, xoay xở vốn liếng từ đâu. Từ xưa đến nay, đồng bào Mã Liềng vẫn loảnh quẩn trong tư duy canh tác lạc hậu, năng suất kém rồi đói nghèo. Cần có những người tiên phong thay đổi, tiếp cận cách làm kinh tế mới hơn để bà con học hỏi, làm theo. Chi bộ bản Cà Xen đã giúp đỡ anh Hồ Bợt rất nhiều trong việc chia sẻ kinh nghiệp làm ăn, thoát khỏi cảnh thiếu đói. Dù gia đình Hồ Bợt vẫn đang hưởng các chính sách của hộ nghèo, nhưng Hồ Bợt đã khẳng định rằng, 1 ngày không xa, gia đình anh sẽ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh tin rằng Chi bộ bản Cà Xen có những người tiên phong, trách nhiệm với dân bản sẽ giúp bà con đi tìm thấy con đường ấm no.
“Muốn chăn nuôi trâu bò, lợn, mình ưng chăn nuôi lắm. Cũng mong muốn, cũng mơ ước lắm, mong làm sao để thoát nghèo, thấy họ thoát nghèo được rồi thì mình cũng muốn thoát nghèo, không thoát nghèo là không được. Làm sao để đi đâu người ta cũng biết gia đình mình đã khá hơn rồi, chứ nghe người ta nói gia đình mình vẫn còn trong hộ nghèo đeo bám mãi thì cũng buồn lắm.”
Những năm 90 của thế kỷ trước, đồng bào Mã Liềng chủ yếu sống trong các hang đá hay những ngôi nhà sơ sài nằm cheo leo trên dãy núi Giăng Màn. Được sự vận động của Nhà nước, họ rời hang đá và các mỏm núi để quần tụ về lập làng, sống định canh định cư. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào Mã Liềng đã đỡ vất vả hơn. Chi bộ Cà Xen có 10 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên người Mã Liềng. Các chi bộ Đảng ở thôn bản và những đảng viên Mã Liềng đóng vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, vận động nhân dân vươn lên thoát nghèo.
Phát huy lợi thế có diện tích đất nông - lâm nghiệp tương đối lớn, xã Thanh Hóa đã định hướng cho người dân lấy sản xuất nông - lâm nghiệp làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế để giúp người dân giảm nghèo một cách bền vững. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, từ chỗ chỉ đi rừng khai thác lâm sản phụ và trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, nay bà con đã có ý thức hơn trong lao động, sản xuất.
“Vai trò của đảng viên ở cơ sở thì phải nhanh nhạy, nói được là làm được. Muốn vận động được bà con thì đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở là những người tiên phong trong sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống gia đình, khi đó mọi người mới tin theo”- Bà Thu nhận xét.
Tỉnh Quảng Bình có hơn 27.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 69%. Tỉnh Quảng Bình đang xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Nghị quyết này, đến năm 2025, Quảng Bình phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 và mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4% đối với các địa phương miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chi bộ Đảng được ví như là “cánh tay nối dài” của Đảng, cấp ủy chính quyền địa phương trong việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng: Các đảng viên nơi đây là những “ngọn lửa”, “hạt nhân” quan trọng để gây dựng các phong trào, đặc biệt là giảm nghèo bền vững.
“Công tác giảm nghèo bền vững được lồng ghép bằng nhiều chương trình khác nhau và có cách làm khác nhau. Phát huy sức mạnh của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội, các địa phương và vận động thông qua nhiều cách làm, lồng ghép bằng các chương trình cụ thể. Tỉnh Quảng Bình phấn đấu đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo đã đề ra”- ông Phong khẳng định/.
Thanh Hiếu/VOV miền Trung