Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý 1/2022 vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao. (Ảnh minh họa: Đức Duy/Vietnam+)
Mặc dù nền kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát được kiểm soát, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, nền kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.
Sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng nay 22/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trong điều kiện rất khó khăn, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý 1 vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước bốn tháng ước đạt 632.500 tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi trong tháng Tư, tăng 3,6% so với tháng Ba và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh.
Chính phủ tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng; thị trường lao động được chú trọng phát triển, tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm...
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận tăng trưởng GDP quý 1/2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thu ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023. (Ảnh: TTXVN)
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Chất lượng lao động có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, còn hiện tượng mất cân đối cung cầu cục bộ; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng…
Những hạn chế, bất cập nêu trên được Phó Thủ tướng chỉ ra có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.
“Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài. Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém,” Phó Thủ tướng nói.
Nhiều giải pháp làm "bệ đỡ" vực dậy nền kinh tế
Đưa ra giải pháp nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả; thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời; điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh…
Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa.
Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95% đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Chính phủ cũng nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp…/.
Nhóm PV (Vietnam+)