Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, được Chính phủ ban hành ngày 15/7, đặt mục tiêu phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đến năm 2025, Chính phủ khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị hành chính. Cả nước hoàn thành sắp xếp thu gọn các huyện, xã, thôn, tổ dân phố. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 10% cả nước; biên chế hưởng lương ngân sách giảm 10% so với năm 2021. Mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan nhà nước đạt 90%; mức độ hài lòng về y tế, giáo dục công lập đạt 85%.
Đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ; giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; giảm mạnh đầu mối tổ chức trung gian. Biên chế hưởng lương ngân sách giảm 10% so với năm 2025. Mức độ hài lòng của người dân với cơ quan hành chính đạt 95%; mức độ hài lòng về y tế, giáo dục công lập đạt 90%.
Một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm. Các cấp được khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô đơn vị hành chính nếu đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý.
Chính phủ hiện nay gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 7 đơn vị trực thuộc. Năm 2021, tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.340. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập là hơn 106.830 biên chế; cơ quan thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh, huyện là 140.500. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.060 biên chế. Biên chế của các hội đặc thù trên cả nước là 680. Biên chế công chức dự phòng 550.