Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV vừa tiến hành kỳ họp đầu tiên, kỳ họp mang tính lịch sử, bắt đầu một chặng đường mới mà ngay ở vạch xuất phát, thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Dịch bệnh lần thứ 4 quay trở lại Việt Nam, đe dọa phá hỏng nhiều thành quả và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong suốt hơn 500 ngày chống dịch vừa qua.
Nhận nhiệm vụ trong tình hình mới, bối cảnh mới, trọng trách đặt lên vai Chính phủ rất lớn: Vừa phải giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa phải hướng đến những mục tiêu lâu dài để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tại phiên họp lịch sử này, trước các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ và lãnh đạo các địa phương trong cả nước, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức đưa ra “tuyên ngôn hành động” của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV. Đó là quyết tâm xây dựng một Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Hơn 75 năm qua, 15 nhiệm kỳ Chính phủ đều để lại những dấu ấn riêng nhưng vai trò, vị trí của Chính phủ trong hệ thống chính trị thì không thay đổi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu tại phiên họp này. Đảng đề ra đường lối, chủ trương, Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp, thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng. Chính phủ có trách nhiệm cụ thể hoá và tổ chức thực hiện, biến đường lối của Đảng thành hiện thực, tạo ra của cải vật chất, quản lý xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn thể nhân dân, cho đất nước.
Mọi chủ trương, chính sách, thành hay bại, phụ thuộc rất nhiều vào khâu thực hiện, khâu triển khai trong thực tiễn. Vậy trọng trách của Chính phủ trong nhiệm kỳ 5 năm tới là gì?
Là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Là phát triển bền vững, theo chiều sâu; Là phát triển kinh tế hài hoà, hợp lý gắn với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường; không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; Là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Là tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đây là những vấn đề cơ bản nhất mà người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho Chính phủ khóa mới, có tính chất định hướng cả trước mắt và lâu dài.
Bởi vậy, phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới không chỉ thảo luận những vấn đề kinh tế - xã hội như thường lệ mà bàn thảo một Chương trình hành động mang tính dài hơi để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Một trong những nhiệm vụ nặng nề nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn”, những hạn chế, yếu kém để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. 23 chỉ tiêu cụ thể và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu đã được xác định cho nhiệm kỳ 2021-2026.
Để tiến tới mục tiêu dài hạn, Chính phủ không có cách nào khác là phải vượt qua một “chướng ngại vật” rất lớn trước mắt, đó là dịch bệnh đang diễn biến cực kỳ phức tạp, nhất là ở khu vực phía Nam. Rất nhiều khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm giải quyết, cả ở trong nước cũng như trên thế giới. Trước những biến thể mới của Covid-19, những biện pháp mạnh để khoanh vùng, dập dịch, đi trước một bước đã không thể phát huy tác dụng như chúng ta từng làm. Vấn đề lớn nhất đặt ra lúc này là đạt được miễn dịch cộng đồng với 70-75% dân số được tiêm vaccine. Phòng dịch vẫn là mục tiêu ưu tiên số 1.
Dù bộn bề khó khăn nhưng đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6 - 6,5%. Đây là một thách thức rất lớn khi tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,64% và ảnh hưởng nặng nề nhất đang tập trung ở tháng 7.
Càng khó khăn, càng phải nỗ lực, càng phải quyết tâm lớn! Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được trong những tháng còn lại của năm nay: Cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa; Bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ; Giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này; Chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp; Bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".
“Đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình”- câu nói đó của người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất lớn của tập thể Chính phủ trong bối cảnh hiện nay. Ngay việc đề ra những mốc thời gian cụ thể nhằm kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương trong Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 cũng minh chứng cho quyết tâm mạnh mẽ đó.
Không có chặng đường nào trải sẵn hoa hồng. Dẫu vạch xuất phát đã đầy thử thách, chông gai nhưng "khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên của chúng ta, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn"”- Những chiêm nghiệm đó của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV cũng là động lực để Chính phủ nhiệm kỳ mới vững vàng tiến lên phía trước./.
Giáng Hương/VOV.VN