Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi trình bày báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quán triệt tinh thần thể chế là nguồn lực, động lực, là mục tiêu của sự phát triển, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Cụ thể, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp chuyên đề pháp luật; trình Quốc hội thông qua 37 luật, nghị quyết; cho ý kiến 11 dự án luật. Ngay tại Kỳ họp thứ 8 này, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua đối với 30 dự án luật, nghị quyết, trong đó có 3dự án luật quan trọng trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 124 nghị định, 15quyết định quy phạm, 37 chỉ thị.
Chính phủ cũng tập trung cao độ hoàn thiện, trong đó có hình thức một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính… trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 13 luật và 23 nghị quyết; cho ý kiến 11 dự án luật, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, cho phép các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/2024…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Trên thực tế đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.
Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193.
Chính phủ cũng nhấn mạnh tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay Chính phủ đã tổ chức thẩm định 51 đề án của các địa phương; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính 17 địa phương. Theo đó, số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp là 32 đơn vị, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị; số đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp là 1.127 đơn vị, sau sắp xếp giảm 568 đơn vị.
“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Thực hiện nghiêm Chương trình, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được tăng cường” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong đó đẩy nhanh tiến độ các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong 9 tháng, đã triển khai trên 5,6 nghìn cuộc thanh tra hành chính, gần 74,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Phát hiện vi phạm về kinh tế 106.672 tỷ đồng, 296 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.398 tập thể và 5.502 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 154 vụ, 125 đối tượng. Đã thu hồi 845 tỷ đồng, 18ha đất; xử lý hành chính 1.366 tổ chức, 5.250 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 88 vụ, 115 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 26 đối tượng
Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; về thanh toán không dùng tiền mặt...
Cùng với đó xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với báo cáo của Chính phủ về những thành tựu cơ bản, trong đó công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn gặp nhiều thách thức. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Từ thực tế trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.
Cùng với đó đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.
“Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.