Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.
Trước khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vào cuối giờ sáng 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình để làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Trước Quốc hội và cử tri cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, sự cống hiến to lớn, hi sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất, khen thưởng bậc cao đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Về tình hình kinh tế xã hội trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Xuất khẩu tháng 10 tăng 6,4% và xuất siêu 2,85 tỷ USD. Thu hút vốn FDI 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 15,8% và thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 91% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu khi vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, Thủ tướng đã nêu ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới, bao gồm:
1. Chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không COVID-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
2. Tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.
3. Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
4. Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.
5. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tiếp tục rà soát, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch bệnh; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 11/11. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Về nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ sẽ đặc biệt chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thông suốt; khắc phục nhanh những bất cập, vướng mắc; hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện hiệu quả các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Chính phủ cũng đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa.
Để phục hồi thị trường lao động, Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm, trong đó, chủ động ưu tiên tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ; có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Còn về lâu dài, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Về vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương có kế hoạch từng bước mở cửa lại trường học trong năm nay.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn, Thủ tướng nhấn mạnh, có những vấn đề đã tập trung triển khai, đạt được kết quả bước đầu nhưng cũng có những việc còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, vì vậy, cần tiếp tục có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tập trung khắc phục, giải quyết hiệu quả.
Ngay sau khi báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Có nhiều vấn đề quan trọng đã được các đại biểu đặt ra với người đứng đầu Chính phủ trong lần trả lời chất vấn đầu tiên trước Quốc hội như giải pháp để khắc phục những bất cập trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động; chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới, những chính sách hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL hay các giải pháp đột phá của Chính phủ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Nguồn VTV