Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Tình hữu nghị vĩ đại của hai nước chúng ta bắt nguồn từ tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tình hữu nghị hai nước được vun đắp cả bằng tình cảm, mồ hôi và thậm chí cả máu của các đồng chí trong lúc Việt Nam còn khó khăn.
Hiểu biết toàn diện và sâu sắc về đất nước Trung Hoa
Đúng như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình hữu nghị đoàn kết giữa các dân tộc. Đặc biệt từ rất sớm, Người hiểu rõ vị trí địa lý, vị thế quốc tế và sự tác động, ảnh hưởng qua lại của cách mạng Trung Quốc đối cuộc cách mạng của Việt Nam, chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm và dày công vun đắp lịch sử hợp tác, tình hữu nghị vững bền Việt Nam – Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với vốn Hán ngữ uyên thâm, kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán Trung Quốc, đã giúp Người sớm có được những hiểu biết toàn diện và sâu sắc về đất nước Trung Hoa. Trong nhiều năm sống cùng nhân dân cần lao, tham gia hoạt động cách mạng, chính sự hiểu biết sâu sắc về đất nước, con người Trung Quốc đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận được sự cảm thông, đùm bọc, trọng thị của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc. Quần chúng dâng hoa lên Người, tháng 7-1955. Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao |
Sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc là nền tảng chắc chắn để ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc.
Phát huy tối đa các điểm đồng
Đã sống, hoạt động cách mạng nhiều năm ở Trung Quốc, lại thêm Người rất am hiểu lịch sử, văn hóa Trung Quốc, lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý thức triệt để khai thác các điểm chung (điểm đồng) giữa hai quốc gia. Trong nhiều bài viết, những lần nói chuyện, Người đánh giá, trước hết hai nước Việt – Trung có nhiều điểm chung về văn hóa. Tiếp đó, Người nhận định, hai nước đều chung nỗi khổ cực bị áp bức và bị xâm lược, bóc lột một cách tàn nhẫn. Một điểm chung quan trọng nữa là cách mạng hai nước đều chung mục đích cao cả, đó là làm cách mạng, phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức chụp ảnh nhân dịp Người sang dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc vào cuối tháng 9-1959. Ảnh: TTXVN |
Mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng hai nước Việt –Trung
Cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đều khẳng định, hai nước Việt – Trung núi sông liền dải, vì thế luôn thân thiết như chân với tay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói tới mối quan hệ thân thiết như vậy nhiều lần, bởi Người hiểu rõ mối quan hệ gắn bó hữu cơ, nương tựa lẫn nhau và không thể tách rời của cách mạng hai nước.
Người cũng đánh giá cao và khẳng định ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Những thắng lợi của nhân dân Trung Quốc trong xây dựng đất nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem như những thắng lợi của chính mình. Người hiểu rõ tầm quan trọng một khi cách mạng Trung Quốc giành được thắng lợi sẽ ảnh hưởng tích cực tới cách mạng Việt Nam, vì thế, Người luôn dõi theo mỗi bước trưởng thành và phát triển của cách mạng Trung Quốc. Khi cách mạng Trung Quốc giành được thắng lợi, Người đã viết: “Cách mạng Trung Quốc giành thắng lợi và việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử loài người tiếp theo Cách mạng Tháng Mười Nga”.
Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc rõ ràng ảnh hưởng tích cực đối với cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tấm gương chói lọi của Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Trung Quốc đã soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của Việt Nam”.
Tại sao Người lại nói như vậy? Theo chia sẻ của Người, chính trong những năm tham gia hoạt động cách mạng trên đất Trung Quốc, Người đã học được nhiều “kinh nghiệm chống thực dân phong kiến”. Nhận xét về những ảnh hưởng của hai cuộc cách mạng tại Trung Quốc và Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam, cố Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm (Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trong những nguyên nhân to lớn của thắng lợi chúng tôi là nhân dân Trung Quốc và nhân dân Liên Xô đã ủng hộ chúng tôi như anh em”.
Nhất quán quan điểm thân thiện, hữu nghị, hợp tác và đoàn kết với nhân dân Trung Quốc và cách mạng Trung Quốc
Theo nghiên cứu của cố Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm, trong thời kỳ đầu mới thành lập nước Việt Nam, trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, với bộn bề, chồng chất khó khăn, khi ấy, nước CHND Trung Hoa chưa thành lập, Trung Quốc vẫn trong thời kỳ nội chiến, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn xác định rõ chính sách của Việt Nam đối với cách mạng Trung Quốc “là phải thân thiện”, “Việt – Hoa thân thiện”.
Cho tới khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, Người tiếp tục khẳng định: “Chúng tôi cần đặt quan hệ láng giềng tốt với các nước chung quanh… Căn cứ vào 5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Và các nguyên tắc này được Người nhắc lại trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc vào năm 1955. Người nói: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ thân thiện hợp tác với bất kỳ quốc gia nào dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình”.
Các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách ngoại giao với Trung Quốc tiếp tục được phát triển. Đến năm 1963, chính sách thân thiện hợp tác được Người tiếp tục phát triển, nâng lên thành tình “đồng chí anh em”. Điều này được Người vui mừng nói trong dịp đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vào tháng 5-1963. “Mối tình thắm thiết Việt – Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2011. Ảnh: TTXVN |
Tại thời điểm những năm 60 của thế kỷ 20, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhiều mâu thuẫn, lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện chính sách “thân thiện, hợp tác”, “đồng chí, anh em” với Trung Quốc, nhưng cũng không quên chăm lo, vun đắp tình đoàn kết giữa các nước trong phe XHCN. Người nhấn mạnh: “Việt Nam và Trung Quốc đoàn kết rất chặt chẽ trong sự nghiệp chung bảo vệ hòa bình thế giới và làm cho tình hình quốc tế bớt căng thẳng. Điều đó có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy sự nghiệp hòa bình châu Á và thế giới tiến tới”.
Chia sẻ về điều này, trong bài viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, cố Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm đã dẫn lời Bác khẳng định: “Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi. Cho nên muốn giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại ấy, điều quan trọng nhất là sự đoàn kết nhất trí giữa các lực lượng đang tiến bộ trên thế giới, trước hết là sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế”.
Mối thâm tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân và các nhà lãnh đạo Trung Quốc
Chính vì hiểu thấu về sự đoàn kết là nguồn gốc của mọi thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiến thức uyên thâm về văn hóa, lịch sử, hiểu biết sâu sắc địa lý, con người Trung Quốc, Người thu phục nhân tâm rất nhiều người bạn Trung Quốc; và những người bạn Trung Quốc dù là người nông dân, cô hộ lý, anh công nhân, hay cán bộ cấp cao.., họ luôn coi Người là một người bạn gần gũi, tin cậy và tôn kính.
Đối với các vị lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc, như với Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai…và nhiều lãnh đạo khác, Người đã thiết lập được mối quan hệ chân thành, thân thiện. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khi tới thăm Việt Nam hay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam tới Trung Quốc, hai bên đều dành cho nhau những tình cảm vô cùng trọng thị, thắm tình anh em; tiếp đón ân tình, quan tâm giúp đỡ nhau, khiến hai bên đều cảm thấy thảnh thơi như ở nhà mình vậy. Tất nhiên, dù thân thiết đến mấy, với phong cách của một chính khách, nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Bác và các đồng chí lãnh đạo nước ta luôn giữ thái độ lịch thiệp, tôn trọng và tế nhị.
Phát huy giá trị tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong xây dựng quan hệ ngoại giao bền vững, lâu dài với Trung Quốc
Có thể khẳng định, để duy trì bền vững mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Trung Quốc, chúng ta cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ với Trung Quốc. Đây cũng là một phần quan trọng trong tư tưởng ngoại giao của Người.
Tư tưởng này dựa trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm lịch sử của cha ông ta trong quan hệ với nước láng giềng lớn Trung Quốc; tiếp thu có chọn lọc những thành tựu lý luận về quan hệ quốc tế hiện đại; kết hợp với tình hình thực tế kháng chiến kiến quốc của nhân dân ta lúc đó. Nhà nghiên cứu Trung Quốc lâu năm, cố Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sâm nhận định rằng, hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh trong quan hệ với Trung Quốc được đúc rút thành 8 chữ: “Thân thiện – Hữu nghị - Hợp tác – Đoàn kết”. Biểu hiện khi Người ứng xử với nhân dân và lãnh đạo Trung Quốc rất cụ thể, đó là: Gần gũi với nhân dân; chân thành với đồng chí; tinh tế trong giao tiếp và ứng xử khéo léo trong một số vấn đề quốc tế nhạy cảm.
Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế đang và sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường, việc kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Đúng như Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc được công bố nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 12 đến 15-1-2017) một lần nữa khẳng định: Tình hữu nghị truyền thống Việt – Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần phải kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa trong tình hình mới”.
Nguồn QĐND