Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ mối quan hệ dân tộc và giai cấp, chính trị và quân sự, chiến tranh và hòa bình... đặc biệt là những nhân tố tạo nên sức mạnh quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung cũng như của Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, đó là: Đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng; đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân và toàn diện; chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; tinh thần đoàn kết, đồng lòng và ý chí quyết tâm của toàn dân, toàn quân... Nhưng để phát huy những nhân tố ấy tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù thì phải có chủ trương, biện pháp cụ thể và cần có những con người-nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần, biết vận dụng sáng tạo vào trong thực tiễn quân sự. Vì vậy, Người cùng Trung ương Đảng nghiên cứu kỹ tình hình, âm mưu của địch và lực lượng quân sự của ta ở các chiến trường, nhất là ở Bắc Bộ để xác định chủ trương, giải pháp quân sự trong Thu-Đông 1953, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.Ảnh tư liệu |
Ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, biến vùng lòng chảo Điện Biên thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có nhằm giăng cái bẫy thu hút, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Trước tình hình trên, ngày 6-12-1953, chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định tình hình chiến sự Đông-Xuân 1953-1954 và thống nhất quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để bảo đảm công tác chuẩn bị và chỉ huy chiến dịch, Người cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Trước khi đồng chí Võ Nguyên Giáp đi chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của Người mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời làm tướng của mình, đó là quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”, và thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định này.
Ngay từ trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã chỉ đạo các địa phương từ Bình Trị Thiên trở ra tuyển thêm hơn 4 vạn quân để nâng tổng quân số của ta lên khoảng 23 vạn và tăng cường trang bị cho bộ đội; tiến hành kế hoạch xây dựng Quân đội theo nguyên tắc: Chủ lực thì phát triển bộ binh, nhưng đồng thời phát triển thêm các binh chủng mới; đẩy mạnh tác chiến trên các chiến trường, kìm chân, phân hóa quân chủ lực địch, không cho chúng chi viện cho chiến trường chính Bắc Bộ và Điện Biên Phủ; tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Quân đội; đẩy mạnh công cuộc cải cách ruộng đất, phát triển văn hóa, giáo dục và giác ngộ, giúp đỡ nông dân thi đua sản xuất; tăng cường kỷ luật, sự giác ngộ chính trị, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong cán bộ, chiến sĩ... Đối với những người lầm đường theo giặc, Người chỉ đạo các đoàn thể cách mạng phải giải thích và kêu gọi họ quay về với Tổ quốc, làm cho họ tin tưởng rằng Chính phủ và đồng bào ta sẵn sàng khoan hồng với những người con biết cải tà quy chính...
Với tất cả việc làm trên, Người đã góp phần phá bỏ nền tảng kinh tế-xã hội của chế độ cũ, đưa nhân dân lên làm chủ; giúp người dân, đặc biệt là nông dân chiếm hơn 90% dân số lúc ấy nắm được đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; nhận rõ Đảng, Chính phủ luôn luôn săn sóc đến lợi ích của họ và giúp họ nhận rõ nguồn gốc sự nghèo khổ, biết cách đấu tranh chống lại sự nghèo khổ, thức tỉnh lòng căm thù của họ đối với áp bức bóc lột.
Trong suốt quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cùng Đảng, Chính phủ, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch kịp thời đề ra những quyết sách mà còn luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo, động viên, hướng dẫn cán bộ, nhân dân, chiến sĩ ta về mọi việc. Trong thư gửi cán bộ và chiến sĩ lên đường ra mặt trận, Người nhắc nhở: “Thu-Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén... Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.
Sau Chiến thắng Him Lam ngày 14-3-1954, Người có thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ; tiếp đó, sau Chiến thắng đồi Độc Lập, ngày 15-3-1954, Người cùng Trung ương Đảng điện khen ngợi, động viên, cổ vũ và căn dặn cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận; nhắc lại tầm quan trọng của chiến dịch này và tin tưởng cán bộ, chiến sĩ ta sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Người có thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Sau đó, Người lại có bài thơ "Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ" để ghi nhận ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta. Ngoài ra, Người còn viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn những tờ báo nước ngoài khẳng định thắng lợi tất yếu của chiến dịch và cuộc kháng chiến của nhân dân ta...
Điện Biên Phủ là sự thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân để mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi thực tế của tư tưởng, nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh.
Nguồn QĐND