Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 29/11 đến ngày 2/12/2021.
Đây là chuyến thăm quan trọng đánh dấu 71 năm Việt Nam và Liên Bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược và gần 10 năm ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, từ đó mở ra những hướng hợp tác mới giữa hai nước.
Việt Nam và LB Nga có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống 71 năm qua. Thăm và làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt –Nga cách đây ít hôm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí nghĩa, chí tình của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga đã dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Trả lời phỏng vấn báo chí của Nga mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc chọn Nga là một trong những nước đi thăm đầu tiên trên cương vị mới, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với quan hệ Việt – Nga cũng như với cá nhân Tổng thống V. Putin kính mến, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Thời gian qua, dù đại dịch COVID-19, nhưng các cuộc tiếp xúc trực tuyến, điện đàm cấp cao vẫn được duy trì thường xuyên để thúc đẩy hợp tác hai nước. Tháng 9 vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm, trao đổi về các phương hướng, biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, hợp tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong hợp tác hai nước, các dự án về năng lượng như dầu khí tiếp tục là điểm sáng, mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai nước. Trong đó, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro tiếp tục duy trì hợp tác đến năm 2030. Các Tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom, Rosneft và nhiều doanh nghiệp khác đang triển khai nhiều dự án hợp tác tại Việt Nam.
Tại Nga, Liên doanh Dầu khí Rusvietpetro đang triển khai dự án khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nhenhetxky. Ngoài ra, các doanh nghiệp dầu khí hai nước đang xem xét, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như điện khí, điện hóa lỏng, năng lượng tái tạo…
Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương cũng đạt gần 5 tỷ USD. Các mặt hàng chính Việt Nam xuất sang Nga gồm: điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng Nga xuất khẩu sang Việt Nam gồm: than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị…
Với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu có hiệu lực từ năm 2016 mà Nga là thành viên, các doanh nghiệp của Nga rộng cửa xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam và các nước ASEAN.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam, hiện nay có khoảng 940 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á-Âu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng thương mại với Nga tăng rất cao, 30%/năm. Với gần 5 tỷ USD, Nga chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, Nga còn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Hai bên cũng thúc đẩy trong hợp tác về khoa học công nghệ, hợp tác địa phương, hợp tác về giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân.
Năm 2019, trên 660.000 lượt khách Nga thăm Việt Nam, đưa Nga trở thành thị trường du lịch lớn nhất Châu Âu của Việt Nam. Ngoài ra, với 40.000 cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trước đây, 80.000 người Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Nga và khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga, đây sẽ là những cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tặng Nga khẩu trang và một số vật tư y tế. Đến thời điểm hiện tại, phía Nga đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 15.000 liều vaccine Sputnik-V và một số thuốc điều trị, vật tư y tế.
Nhiều nhà nghiên cứu của Nga đánh giá, chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các chương trình hợp tác hiện có, đồng thời mở ra các hướng hợp tác mới giữa hai nước. Bởi Nga hết sức coi trọng quan hệ hợp với song phương với Việt Nam, đồng thời cũng coi trọng quan hệ với ASEAN, tổ chức mà Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.
Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
Chuyến thăm chính thức Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn được kỳ vọng thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nga trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là việc thúc đẩy Nga hỗ trợ vaccine và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam. Trên cơ sở đó giúp hai nước kiểm soát tốt dịch bệnh và cùng thúc đẩy hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả./.
Vũ Dũng/VOV