Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành. Cùng dự có lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và 20 Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng gửi Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng của tỉnh Hậu Giang lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta. Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng nhiều chính sách như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình liệt sỹ, thương binh, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ các chính sách ưu đãi cho con em gia đình thương binh liệt sĩ và tu bổ các nghĩa trang hàng năm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, gần đây, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định tặng quà cho hơn 1,3 triệu người có công nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với tổng kinh phí 420 tỷ đồng.
Hiện nay, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và các đối tượng hưởng chính sách như thương binh. Trong đó, tỉnh Hậu Giang có 36.243 người có công với cách mạng.
Thời gian vừa qua, mặc dù là tỉnh khó khăn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng với sự nỗ lực của địa phương, hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác, tỉnh Hậu Giang đã chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, trong đó đã hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa hỗ trợ cho các thương binh, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng bằng những việc làm hết sức thiết thực, để làm sao các gia đình này đảm bảo hưởng được những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Tỉnh phát động mạnh mẽ các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động toàn xã hội một cách thường xuyên, liên tục để lo cho gia đình có công cách mạng, nhất là những gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công có hoàn cảnh khó khăn.
"Triển khai ngay về điều chỉnh tăng lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chi trả kịp thời, đảm bảo để người được hưởng các chế độ vui mừng, phấn khởi" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đồng thời với việc tăng lương, cũng cần phải kiểm soát giá cả, tăng lương nhưng không tăng giá, đảm bảo đời sống của người dân nói chung và các đối tượng hưởng chính sách nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các cấp phát động mạnh mẽ, phong trào toàn dân chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tạo nhận thức sâu rộng trong nội bộ và nhân dân rằng chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng là một việc làm thường xuyên, liên tục.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 20 phần quà tặng cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; chứng kiến đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng 100 căn nhà Đại đoàn kết.