Tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm kỳ này công tác lập pháp có tính hệ thống, bài bản, trong kế hoạch có 137 nhiệm vụ đề xuất cho cả nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, 24 nhiệm vụ đã chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều nhiệm vụ sẽ được xem xét thời gian tới, thậm chí đã rà soát các nhiệm vụ lập pháp đến tận năm cuối của nhiệm kỳ.
Về dự kiến chương trình năm 2024, nếu không có gì thay đổi thì sẽ có cả sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Bản dạng giới. Đây cũng là nét mới, một số khoá trước cũng đã có sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội nhưng chưa được thông qua.
Ngoài ra, một số dự án đã được thảo luận ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, nhưng chưa được thông qua, lần này sẽ trình Quốc hội xem xét có đưa vào chương trình hay không. Nội dung này sẽ được bàn trong phiên họp chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngay sau phiên họp 22 và thẩm quyền quyết định là của Quốc hội.
Đề cập việc tổ chức kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là kỳ họp hết sức quan trọng, rơi vào giữa nhiệm kỳ Quốc hội nên công tác lập pháp rất nặng.
“Kỳ họp thứ 5 Quốc hội dự kiến thông qua và cho ý kiến 16 dự án luật và 4 dự thảo nghị quyết, có thể nói gấp đôi bình thường”, ông Vương Đình Huệ nói.
Lưu ý điều quan trọng nhất là tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu gấp quá sẽ không đảm bảo và chất lượng sẽ bị hạn chế. Do đó, tinh thần là “những thứ không đảm bảo chất lượng và quy trình thì đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại”.
Ngoài ra, kỳ họp thứ 5 xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 và kết quả sơ bộ, kế hoạch 2023 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến thời gian kỳ họp này khá dài nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc có thể tách làm 2 đợt để các ĐBQH kiêm nhiệm có thể giải quyết vấn đề cấp bách ở địa phương và các cơ quan trình có thêm thời gian trình, chuẩn bị. Trường hợp đã chuẩn bị kỹ lưỡng, mọi thứ sẵn sàng thì có thể họp liên tục.
Về nội dung xem xét, báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải thực hiện việc này và dần đưa vào nề nếp theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, có những sai phạm cụ thể được xử lý rất nghiêm, nhưng khi ban hành một văn bản sai gây hậu quả nghiêm trọng, gây ách tắc các vấn đề lại chưa được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm./.
Ngọc Thành/VOV.VN