Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ninh có đề xuất xin chủ trương thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội.
Với đề xuất này, Quảng Ninh đang cho thấy quyết tâm đi đầu trong xây dựng thể chế, cải cách hành chính cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Nêu quan điểm về đề xuất của Tỉnh ủy Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình ủng hộ bởi Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, họ đã chuẩn bị cho lộ trình này từ chục năm nay, từ lúc đặt chủ trương trưởng thôn đồng thời là bí thư chi bộ, đào tạo con người, đến phát triển đảng, quy hoạch, bồi dưỡng để một cán bộ có thể “gánh” được cả hai vai.
Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh |
Chủ trương ĐH bầu trực tiếp Bí thư đã có từ 2009
PV: Đề xuất của tỉnh Quảng Ninh là chưa có tiền lệ, vậy cơ sở để Quảng Ninh đưa ra đề xuất này có thuyết phục hay không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn: Đây là chủ trương mà Trung ương đã đề ra từ rất sớm, từ kết luận của Nghị quyết Trung ương 9 khóa X năm 2009 đã có hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. Lúc đó chúng ta đã chủ trương thí điểm bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư ở Đại hội cấp cơ sở.
Trong suốt quá trình vừa qua, rất nhiều nơi đã tổ chức thí điểm ở cấp cơ sở, thậm chí cả ở cấp huyện.
Đại hội Đảng lần này theo tôi là thời điểm khá chín muồi để thí điểm ở cấp cao hơn, đó là cấp tỉnh. Hướng đi ấy theo tôi, chúng ta đã tiến hành khá thận trọng, vững chắc, và có kết quả tốt.
Đối với Quảng Ninh, họ đã thực hiện chủ trương này rất tốt, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, cấp cơ sở và cấp huyện đều phấn đấu 100%, giờ họ đề xuất lên cấp tỉnh theo tôi cũng là bước tiếp theo, tiếp nối những kết quả mà tỉnh này đã thành công.
Vừa rồi tiến hành đại hội cấp cơ sở họ bầu trực tiếp Bí thư ở 100% đơn vị, kết quả rất tốt, gần như không có trường hợp phiếu thấp. Việc thí điểm ở cấp huyện, thành phố cũng đạt hơn 90-100%. Tôi tin chắc với tinh thần như thế, khi thực hiện bầu trực tiếp Bí thư ở cấp tỉnh cũng sẽ cho kết quả tốt. Nó tạo ra một không khí dân chủ, khẳng định ý chí, niềm tin của cán bộ đảng viên đối với lãnh đạo của mình. Đặc biệt, tình hình kinh tế xã hội phát triển, nhân dân đồng thuận, mọi mặt đời sống tốt lên, việc bầu cử dân chủ ngày càng mở rộng thì đó là một kết quả tốt cần khuyến khích.
Chắc chắn Trung ương sẽ ủng hộ
PV: Nếu được Trung ương thông qua, việc thực hiện phải được triển khai ra sao để quá trình bỏ phiếu được khách quan?
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn: Như trên tôi đã nói, chủ trương đã có từ 2009 cho đến nay, chỉ có thực hiện ở cấp cao hơn. Hơn nữa, chúng ta đã thể nghiệm ở cấp cơ sở cũng rất tốt, giờ triển khai ở cấp tỉnh, mà Quảng Ninh lại là địa phương triển khai toàn bộ từ cấp cơ sở lên cấp tỉnh, chắc chắn Trung ương cũng sẽ ủng hộ.
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn (Ảnh: Trọng Phú) |
Công tác nhân sự đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một quá trình, những người có uy tín, có năng lực, từng có số phiếu tín nhiệm cao, do vậy hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự thành công của đại hội.
Trong Chỉ thị 34, Trung ương cũng đã chỉ rõ những địa phương có đủ điều kiện, thuận lợi đó là sự đoàn kết, đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các bước, thì có thể thực hiện.
Nơi nào thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư thì cấp trên của tổ chức đó phải có ý kiến. Trong trường hợp của tỉnh Quảng Ninh, cấp cơ sở xin ý kiến cấp huyện, cấp huyện xin ý kiến của tỉnh, cấp tỉnh xin Trung ương, đó là logic bình thường. Đây cũng là sự mong mỏi của cán bộ đảng viên được trực tiếp bầu Bí thư của mình. Tôi ủng hộ tinh thần đó.
Để việc bỏ phiếu được khách quan, quy trình nhân sự 5 bước cần được tiến hành thực sự dân chủ, khách quan, cần phát huy vai trò của không chỉ các cơ quan lãnh đạo, mà đặc biệt phải phát huy vai trò của từng người cầm phiếu, người giới thiệu cũng phải thực sự khách quan, vô tư, công tâm, có trách nhiệm để chọn ra người lãnh đạo cho tỉnh mình.
Không lẽ chúng ta cứ thí điểm mãi
PV: Theo ông, có thể nghiên cứu tiến tới áp dụng rộng rãi “mô hình” của Quảng Ninh ra nhiều địa phương trong cả nước hay không?
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn: Theo tôi nếu áp dụng được là tốt. Như trên tôi đã nói, chúng ta cũng đã thí điểm cả 10 năm nay, nhiều nơi đã thành công, không lẽ chúng ta cứ thí điểm mãi, cũng cần thí điểm ở quy mô lớn hơn, ở tầm cao hơn, cấp trực thuộc trung ương. Nếu ở cao tốt rồi, thì cũng phải thực hiện ở phạm vi rộng hơn, có thể tổng kết thực tiễn để có thể tiến hành một cách đại trà, không còn gọi là thí điểm nữa.
Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi, các địa phương cần tính đến đặc thù của mình, bởi Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, từ lúc trưởng thôn đồng thời là bí thư chi bộ, họ đã có sự chuẩn bị cả từ chục năm nay chứ không phải giờ mới làm, do vậy từ đào tạo con người, đến phát triển đảng, quy hoạch, bồi dưỡng để một cán bộ có thể gánh hai vai.
Thêm nữa, là sự lựa chọn ý Đảng lòng dân phải xích lại gần nhau, để dân có tín nhiệm thì Đảng mới cử ra để tranh cử, bầu cử. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng, công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự phải đòi hỏi một quá trình chứ không thể thấy địa phương này làm mình cũng làm trong khi điều kiện của mình khác, mâu thuẫn nội bộ, bè phái… Do vậy phải tìm được người thực sự nổi trội, quá trình làm nhân sự vô tư, khách quan, công tâm, khi số phiếu tín nhiệm rất cao rồi việc chuyển sang bầu trực tiếp tại đại hội chỉ là kết quả của sự chuẩn bị tốt mà thôi./.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Thanh Hà/VOV.VN