Có thể nói, chưa khi nào ngành Nông nghiệp đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức lớn như hiện nay. Những cơ hội có thể kể ra là: thị trường mở rộng; thông tin nhiều; Chính phủ luôn tìm cách kiến tạo các chính sách ưu đãi cho ngành Nông nghiệp phát triển; nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp ngày một đa dạng và tăng trưởng nhanh, tạo thêm điều kiện cho nhiều nông dân, doanh nghiệp...
Nhưng ở chiều ngược lại, những thách thức (cả khách quan lẫn nội tại) cũng không ít và đang đặt ngành Nông nghiệp trước những áp lực lớn: biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp; lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu; hậu quả và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và mới đây nhất là những tác động tiêu cực từ căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraike… đều đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Trong khi đó, những tồn tại của ngành Nông nghiệp nhiều năm nay cũng chưa được cải thiện triệt để: tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, thiếu bền vững; nhiều loại vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc… Thậm chí, câu chuyện luẩn quẩn “chặt - trồng - chặt” hay “được mùa, mất giá” tồn tại hàng chục năm nay vẫn đang tiếp tục… tồn tại và chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Vì vậy, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững luôn được đặt ra một cách nghiêm túc, liên tục trong nhiều năm nay. Khái niệm bền vững có thể định nghĩa nôm na là phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn, có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, có thương hiệu… và đặc biệt, chủ thể của một nền nông nghiệp nền vững sẽ là đời sống nông dân khá giả và bộ mặt nông thôn đổi mới, hiện đại.
Mục tiêu đặt ra thì nhiều, kỳ vọng cũng nhiều nhưng nhìn thẳng vào thực tế thì cho đến nay, nông nghiệp bền vững vẫn đang là một định hướng, chưa kể tại nhiều nơi, định hướng này đang bị thách thức bởi những yếu tố không bền vững như: nông dân xẻ đất “phân lô bán sào” khiến đất sản xuất bị xé lẻ, manh mún; vật tư đầu vào phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu khiến lợi nhuận kém; đầu ra không bền vững và quá phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định; hàm lượng công nghệ cao còn ít…
Sự thật là đầu tư cho nông nghiêp là một dạng đầu tư khó, đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao và phải là những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực mới có thể bước vào “sân chơi” này lâu dài. Ngành Nông nghiệp thực sự cần những “cánh chim đầu đàn” để định hình các “luật chơi” dưới sự giám sát và hỗ trợ của Nhà nước, bởi bản thân từng nông dân nhỏ lẻ sẽ khó mà đủ lực để xây dựng sự bền vững dựa trên quá nhiều thách thức hiện nay.
Vậy cho nên, phát triển nông nghiệp bền vững được ví von là “gánh nặng, đường xa” và đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía: cải thiện chính sách tích tụ ruộng đất, thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin thị trường, hỗ trợ HTX… để dần loại bỏ những yếu tố thiếu bền vững và xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thực thụ, lâu dài./.
Theo Báo Đồng Nai