Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, tính đến tháng 6/2024, cả nước có gần 13,4 nghìn sản phẩm OCOP ở gần 7 nghìn ngành hàng, trong đó 70% là ba sao, còn lại là bốn, năm sao.
Ông Huấn nhìn nhận, chương trình OCOP đã thay đổi hiện trạng sản xuất của nhiều đơn vị, hợp tác xã tại địa phương, đặc biệt là tư duy sản xuất nhằm cung ứng thị trường và tạo ra các mô hình liên kết bền chặt. Từ đó, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm truyền thống ngày càng được tối ưu, đảm bảo thu nhập cho người dân, thu hút và tạo việc làm bền vững.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội phát triển tiếp tục mở ra không gian phát triển mới cho sản phẩm OCOP, giúp phân phối hiệu quả hơn, lan tỏa rộng rãi hơn tới đông đảo người tiêu dùng.
Tuy nhiên, PGS.TS Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam, nhìn nhận, không ít sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế về chất lượng và chưa thực sự đảm bảo tính bền vững.
Mặt khác, quy mô sản xuất sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, manh mún và mang tính thời vụ, lộ rõ sự hụt hơi so với tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe và cạnh tranh gay gắt.
Ông Vinh nhận định, trong thời gian tới, cần phải đặt mục tiêu rõ ràng về sản phẩm OCOP, bao gồm mục tiêu chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, minh bạch về thông tin và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang chuyển mình theo hướng chuyển đổi xanh, thị trường cũng nâng dần tiêu chuẩn liên quan đến tính bền vững. Do đó, các chủ thể OCOP cũng cần phải xanh hóa quy trình sản xuất để tiếp cận được với thị trường và hướng đến xuất khẩu.
Đồng quan điểm về những thiếu sót trong các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, theo ông Huấn, cần có cái nhìn bao dung hơn bởi phần nhiều chủ thể OCOP xuất phát từ người nông dân, rất khó khăn trong tư duy tiếp cận thị trường, đặc biệt khi thị trường đang chứng kiến chuyển biến nhanh chóng như hiện nay.
Chính từ sự khó khăn, hạn chế đó, theo ông Huấn, cần phải có sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ, kết nối.
Tuy nhiên, ông Huấn nhìn nhận, bản thân các chủ thể OCOP đóng vai trò chính trong câu chuyện nâng tầm chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đại diện Văn phòng OCOP nêu thực trạng, nhiều chủ thể thiếu tiền đầu tư đổi mới công nghệ, mẫu mã nhưng lại không dám đi vay, không dám mạo hiểm, như vậy rất khó để phát triển.
“Nếu thay đổi tư duy, có doanh nghiệp OCOP đầu tư để đạt chứng nhận 5 sao, sau hai năm doanh thu tăng từ 10 tỷ lên đến 40 tỷ đồng”, ông Huấn nói.
Để chủ thể OCOP mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận tín dụng, ông Huấn bày tỏ mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa chủ thể OCOP với ngành nông nghiệp cũng như với ngân hàng. Trong đó, ngân hàng có thể cân nhắc chính sách liên quan không chỉ lãi suất mà còn vấn đề thế chấp, tín chấp, từ đó có cơ chế phù hợp để tạo động lực cho chương trình OCOP.
Đặc biệt, các sản phẩm OCOP liên quan nhiều đến nông nghiệp, nông sản vốn nặng yếu tố thời vụ nên ngân hàng cần có sự quan tâm, hỗ trợ để giải quyết nhanh chóng mặt thủ tục, giúp đồng tiền đến được với bà con đúng lúc, đúng chỗ.
Thực tế, vốn của ngân hàng đến kịp lúc là cứu cánh cho nhiều chủ thể OCOP, đơn cử như Công ty TNHH Chè Hoài Trung ở tỉnh Phú Thọ. Bà Bùi Thị Mão, Giám đốc Công ty Chè Hoài Trung, cho biết, trong thời kỳ Covid-19, nhờ vay kịp vốn ngân hàng nên doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và thành công đặt nền móng cho sản phẩm trà đinh cao cấp Hoài Trung.
Bên cạnh ngân hàng, các siêu thị, chuỗi bán lẻ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy sản phẩm OCOP. Ông Huấn bày tỏ mong muốn các nhà bán lẻ có sự quan tâm, bao dung hơn với sản phẩm OCOP vì đó là sản phẩm từ vùng nông thôn, mang nhiều giá trị văn hóa, vùng miền.
Theo The Leader