Năm nay là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng đất nước vẫn đạt nhiều thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đóng góp quan trọng vào những thành tựu đó có dấu ấn nổi bật trong công tác cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ làm tốt công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy mà nhiều bộ, ngành, địa phương đã đạt được những thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, mang lại hiệu quả trong thực tiễn khi triển khai những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an đã gương mẫu, đi đầu trong hệ thống chính trị khi đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; là bộ, ngành tiên phong trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phù hợp theo yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Nổi bật là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết số 22, năm 2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó có việc điều động, bố trí lực lượng công an chính quy về các xã, thị trấn.
Tính đến giữa năm 2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc (sớm hơn 6 tháng so với quy định). Đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở và mang lại ngay hiệu quả tích cực trong thực tế. Tình hình an ninh, trật tự tại các xã, thị trấn hầu hết đều có những chuyển biến tích cực rõ nét, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm rõ rệt, tình hình an ninh, trật tự được ổn định, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Ông Hà Văn Tựng, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá, cho biết: “Lực lượng công an chính quy về được hơn 3 năm, có thể thấy các anh có trách nhiệm rất cao, bám nắm địa bàn, thường xuyên gắn bó với nhân dân, tuần tra, kiểm soát trên tất cả các lĩnh vực, được quần chúng nhân dân rất tin tưởng đánh giá rất cao. Đây là hiệu quả của chủ trương đưa công an chính quy về xã, nhân dân rất an tâm”.
Để có được sự ghi nhận, đánh giá cao như vậy lực lượng công an chính quy ở các xã, thị trấn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn ban đầu như địa bàn làm việc mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác còn hạn chế. Vượt qua những khó khăn này, cán bộ chiến sỹ công an luôn tâm niệm vì hạnh phúc của nhân dân để phục vụ như tâm sự của Đại úy Tô Minh Đương, được điều động về làm Trưởng Công an xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
"Thời gian đầu còn bỡ ngỡ, sau đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, từng cán bộ phải học hỏi đúc kết kinh nghiệm từ cán bộ đi trước, kể cả lực lượng công an bán chuyên trách, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm gần dân, sát dân, đòi hỏi từng cán bộ phải rèn luyện, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm trước dân, tôn trọng dân, phải biết lắng nghe. Với những vấn đề vi phạm pháp luật, phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với quy trình của pháp luật không được làm trái quy trình để ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an dân”, Đại úy Tô Minh Đương chia sẻ.
Đánh giá về sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự ở cơ sở trong cả nước sau khi lực lượng công an chính quy được bố trí về các xã, thị trấn, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định: “Triển khai công an chính quy xuống xã đạt được hiệu quả rất đáng ghi nhận. Hầu hết các địa phương đều công nhận tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở được đảm bảo, tất cả các lĩnh vực liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, cuộc sống của người dân bình yên hơn, hạnh phúc hơn”.
Với góc độ các địa phương, nửa nhiệm kỳ qua, công tác cán bộ đã đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội. Hậu Giang là địa phương có sự bứt phá rõ nét trong phát triển kinh tế. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành 274 quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, trong đó điều động, luân chuyển, bổ nhiệm 46 cán bộ; chuẩn y 11 cán bộ; chỉ định 28 cán bộ; phê duyệt quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch 04 cán bộ; cử 73 cán bộ đi học tập, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước…
Ông Lư Xuân Sơn - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, công tác cán bộ được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bước đầu đã tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự đồng thuận, nỗ lực, quyết tâm và khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở.
“Chúng tôi tham mưu trong việc bố trí, qui hoạch cán bộ trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản để chọn lựa đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tâm, có quyết tâm, có khát vọng để thực hiện nghiệm vụ chính trị của mình. Qua thời gian triển khai các Đề án, qui định…, đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, đặc biệt là nâng cao được nhận thức, tư tưởng trong cán bộ, công chức. Đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực thi công vụ đã xác định được nhiệm vụ của mình, thể hiện được sự quyết tâm, quyết liệt năng động, sáng tạo, qua đó tạo được sự lan tỏa, đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, ông Lư Xuân Sơn cho biết thêm.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hậu Giang đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án, qui định bám sát các cơ chế chính sách của Trung ương nhưng cũng có những vận dụng sáng tạo. Qua triển khai thực tế, dù thời gian chưa dài nhưng đã có những chuyển biến rất rõ nét, các nhân sự được bổ nhiệm mới đã đảm bảo vừa đúng qui định, đúng qui trình vừa đúng người, đúng việc, qua đó tạo sự chuyển biến về chất trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức, cán bộ.
“Hậu Giang tập trung vào khắc phục khâu yếu đó là khâu đánh giá cán bộ. Tỉnh đã ban hành qui định về bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm cán bộ. Trên cơ sở đó, đánh giá cán bộ căn cứ vào khối lượng, chất lượng hoàn thành công việc. Lựa chọn những cán bộ tốt để đưa vào bình bầu là những cán bộ xuất sắc; ngược lại những cán bộ không đảm bảo yêu cầu có năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc thấp thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và đây là đối tượng nhắm đến trong việc tinh giảm biên chế để thay thế bằng tuyển dụng những cán bộ trẻ có năng lực, có trình độ, có phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.”
Trong nửa nhiệm kỳ qua, Hậu Giang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước, liên tục tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước; năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước, tăng 5,92% so với bình quân cả nước; 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế vươn lên đứng đầu cả nước đạt 14,21%.
Từ những kết quả trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở của Bộ Công an, sự bứt phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang có thể thấy rằng công tác cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có đóng góp trực tiếp bằng những ví dụ sinh động trong thực tiễn, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt nhiều thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đình Hiếu, Tấn Phong, Việt Cường/VOV1