Ông Võ Tấn Đức cho rằng, Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ban hành từ đầu năm 2024, nhưng đến nay báo cáo của các đơn vị vẫn chung chung, chưa rõ, tiến độ triển khai đề án chậm. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, xây dựng đường găng tiến độ triển khai đề án để bù lại những chậm trễ trong thời gian qua. Việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp là chưa có tiền lệ ở nước ta. Quá trình triển khai nếu phát sinh vấn đề chưa rõ phải nhanh chóng tham mưu tỉnh xin ý kiến cơ quan Trung ương. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cần tổ chức cuộc họp định kỳ hàng tháng nhằm đánh giá kết quả công việc, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai xem xét, chỉ đạo.
Ông Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, thành lập goup trực tuyến trên zalo nhằm tiếp nhận thông tin, phản hồi của doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Sở Tài chính Đồng Nai nghiên cứu, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân về chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, tháng 2/2024, Đồng Nai phê duyệt Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Theo đề án, tỉnh sẽ di dời toàn bộ doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Trong số đó, giai đoạn 1 di dời 14 doanh nghiệp, hoàn thành vào cuối tháng 12/2024; giai đoạn 2 đến cuối tháng 12/2025 di dời tất cả doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp dời đi, Đồng Nai xây dựng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành 2 khu vực gồm: Khu vực Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 44 ha và khu đô thị - dịch vụ Biên Hòa 1 với diện tích hơn 280 ha.
Để triển khai Đề án Đồng Nai giao các đơn vị trong tỉnh thực hiện 6 nội dung công việc gồm: Di dời doanh nghiệp; xây dựng Nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực; lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án xây dựng Khu Trung tâm chính trị của tỉnh; đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 - Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1; lập Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cần dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đến nay, cả 6 nội dung đều chậm tiến độ, nhiều đơn vị chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành công việc được giao. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 vẫn chưa có kế hoạch di dời.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cho rằng, khó khăn lớn nhất trong quá trình di dời doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động khi di dời. Bởi các quy định pháp luật hiện hành không đề cập vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách riêng đối với việc di dời doanh nghiệp, người lao động.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích hơn 330 ha, hình thành từ năm 1963, đây là khu công nghiệp lâu đời nhất ở nước ta. Tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện có hơn 70 doanh nghiệp đang thuê đất. Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam.
Nguồn TTXVN