Không phải bây giờ mà từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, nhiều trường học, cấp học đã kịp chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang dạy và học trực tuyến qua phần mềm Zoom, Microsoft Teams, Google Meet... Chất lượng dạy học trực tuyến từng bước được nâng cao từ dạy bài mới, quản lý lớp học, thảo luận, đánh giá kết quả học tập. Do đó, ở đợt bùng phát dịch lần này, nhà trường và phụ huynh, học sinh đều rất chủ động khi triển khai học trực tuyến.
Theo một số thống kê, việc triển khai học trực tuyến ở nước ta ở mức cao với gần 80% học sinh, sinh viên được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước là 67,5%. Tuy nhiên, để hình thức này phát triển mạnh mẽ hơn, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập (dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử…); số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ảnh minh họa: internet
Việc xây dựng khung năng lực số cho học sinh cũng cần được triển khai sớm, ngay từ những cấp học đầu tiên ở các dạng thức đơn giản, phù hợp với lứa tuổi, giúp các em phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc đại học, sau đại học và dạy nghề các công nghệ số cơ bản như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật... Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa. Đồng thời, cần có hệ thống chính sách cấp hệ thống và cấp cơ sở giáo dục phù hợp để đào tạo trực tuyến được công nhận hợp pháp. Cần phải có hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến để đảm bảo tính giá trị của hình thức đào tạo này.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tạo được bược chuyển trong tư duy của học sinh, sinh viên và giáo viên, để thầy và trò cùng nhận thức được rằng, chuyển đổi số mang lại nhiều giá trị, cơ hội để thay đổi, để tiếp cận tri thức và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.
Đẩy nhanh chuyển đổi số trường học không chỉ góp phần mở rộng không gian học tập cho học sinh ngoài lớp học truyền thống trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường học tập hiện đại, hình thành một nguồn nhân lực có kỹ năng số, một thế hệ công dân số và xa hơn là hình thành quốc gia số./.
Quang Minh