Tiến sĩ Daniel Borer đặc biệt chỉ ra rằng việc tiêm phòng có thể giúp giảm thiểu rủi ro do gián đoạn nguồn cung ở các khu công nghiệp. "Dịch bùng phát dữ dội trở lại khiến năng suất làm việc giảm, và các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam - nơi nhà cung cấp cho nhiều công ty toàn cầu đặt nhà máy hoạt động dưới công suất", ông nói.
“Tiêm phòng là chìa khóa để đưa toàn bộ các hoạt động kinh tế quay lại. Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tiếp tục đóng cửa biên giới với các doanh nghiệp nước ngoài như một biện pháp ngăn chặn lây lan vi rút, trong khi các nước khác trong khu vực đã mở cửa nhờ tiêm chủng thành công”.
Tiến sĩ Greeni Maheshwari cho biết hàng trăm ngàn công nhân sản xuất được tiêm vắc xin sẽ giúp duy trì sản xuất. “Việc tiêm chủng sẽ có lợi với các nhà máy nơi hàng ngàn công nhân làm việc trong khoảng cách gần”, bà nói. “Đợt tiêm chủng này sẽ giúp chống lại vi rút và đảm bảo sức khỏe tốt cho người lao động, từ đó nâng cao sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế nói chung”.
“Nhiều quốc gia, bao gồm cả châu Âu và Hoa Kỳ đã nỗ lực hết sức trong việc tiêm chủng và hiện bắt đầu có tỉ lệ nhiễm bệnh giảm đáng kể và cuộc sống dần bình thường hóa trở lại”.
Suốt thời điểm lộn xộn và bất ổn này, Tiến sĩ Maheshwari cho biết cộng đồng Việt Nam đã chung tay cùng Chính phủ chống dịch bằng cách tài trợ cho chương trình tiêm chủng.
Trong đợt triển khai tiêm chủng COVID-19, Tiến sĩ Daniel Borer đánh giá một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay là khôi phục kinh tế dần dần nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi số người được tiêm chủng ngày càng tăng.
“Miễn dịch cộng đồng được cho là đạt khi 60-80% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nếu Việt Nam chờ để đạt miễn dịch cộng đồng trước khi khôi phục kinh tế, thì những tháng quý giá sẽ mất đi và nhiều công ty có thể sẽ phá sản”, Tiến sĩ Borer cho biết.
“Chính phủ Việt Nam có thể triển khai một hệ thống với doanh nghiệp có 60% nhân viên được tiêm chủng đầy đủ có thể trở lại hoạt động bình thường”, ông chia sẻ thêm. “Việc quản lý vi mô ở cấp độ doanh nghiệp sẽ cho phép tăng tái thiết hoạt động của các công ty và phục hồi kinh tế, đồng thời vẫn hạn chế ở những lĩnh vực số lượng được tiêm chủng ít hơn”.
Dù hầu hết các doanh nghiệp đang gặp trở ngại lớn, nhưng theo một báo cáo về kinh tế-xã hội, Việt Nam vẫn ghi nhận mức xuất siêu khoảng 370 triệu đô la Mỹ trong năm tháng đầu năm 2021, còn mức nhập siêu chỉ 2 triệu đô la Mỹ trong tháng 5/2021.
Tiến sĩ Maheshwari tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế nước nhà sẽ tăng trưởng trở lại khi các chiến dịch tiêm chủng thần tốc hoàn thành.
Bà cho biết: “Dù vốn FDI đã giảm đáng kể do suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng như thể hiện trong số liệu ở Hình 1, Việt Nam vẫn là một quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư. Việt Nam đã phục hồi thành công ở ba đợt bùng phát trước, do đó một khi làn sóng thứ tư được kiểm soát, sẽ không để lại nhiều tác động đến nền kinh tế trong tương lai”.
“Triển khai tiêm chủng cũng sẽ giúp một số ngành như sản xuất và du lịch phục hồi hoạt động. Điều này sẽ mang lại tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian tới”.
Tiến tới giai đoạn hậu COVID-19, Tiến sĩ Maheshwari đề xuất một số biện pháp giúp Việt Nam duy trì vị trí trung tâm sản xuất của thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài.
“Để thu hút đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, cần thúc đẩy hoặc thực hiện phát triển một số mảng như cải thiện các cơ sở cảng biển, phát triển cảng biển mới, tiếp tục xây dựng đường xá, đường cao tốc và thành lập các khu kinh tế mới. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư bằng cách gỡ bỏ bớt các rào cản quan liêu giúp giảm thời gian thiết lập doanh nghiệp có thể thúc đẩy ý định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư”, bà chia sẻ./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp