Chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11 của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật cách tiếp cận lấy ASEAN làm trung tâm của Việt Nam, định vị vai trò chủ chốt của Việt Nam và Malaysia trong nỗ lực dẫn dắt ASEAN cân bằng ảnh hưởng từ bên ngoài.
Đây là nhận định của học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn - chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn trong bài viết đăng trên trang báo điện tử của Đài Phát thanh - Truyền hình Công cộng Thái Lan (Thai PBS) vào hôm 22/11.
Trong bài viết, học giả Kavi Chongkittavorn nhận định, chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào thời điểm hai quốc gia chủ chốt trong ASEAN đang phải đối mặt với những thay đổi địa chính trị nhanh chóng, đặc biệt là sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Ngược lại quá khứ, Malaysia nằm trong số những thành viên ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973 với nhận định sự ổn định và hợp tác tổng thể trong khu vực sẽ phụ thuộc vào tiến trình hội nhập và những đóng góp của Việt Nam trong ASEAN. Đến năm 2015, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có quan hệ ở cấp Đối tác chiến lược với Malaysia.
Theo ông Kavi, cả Malaysia và Việt Nam đều rất nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế toàn cầu, chủ động có chiến lược cân bằng để quản lý mối quan hệ với các cường quốc, trong khi duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực. Cách tiếp cận này tạo tiền đề để hai nước ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp to lớn cho sự ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực.
Đáng chú ý, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi Malaysia là chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Trong bối cảnh đó, hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động và trách nhiệm thúc đẩy đoàn kết, hợp tác khu vực, quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Việt Nam và Mỹ còn lên kế hoạch tổ chức Hội nghị cấp cao Quan hệ đối tác Mê Công-Mỹ lần đầu tiên; tuy nhiên, sự kiện này đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.
Hướng đến tương lai, học giả Kavi nhận định vai trò chủ chốt, dẫn dắt hợp tác của Malaysia và Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định. Malaysia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ tháng 1/2025 với kỳ vọng thúc đẩy một ASEAN phát triển bao trùm và bền vững, vì thịnh vượng chung của cả Cộng đồng. Diễn ra với thời điểm đặc biệt này, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm được kỳ vọng sẽ góp phần mở ra cơ hội hợp tác to lớn, làm sâu sắc hơn và nâng tầng hợp tác giữa hai nước.
Trong chuyến thăm, hai bên đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện, khẳng định cam kết ủng hộ lẫn nhau trên con đường phát triển của mỗi nước, tiếp tục củng cố và tăng cường hợp tác toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Học giả Kavi cho rằng, bên cạnh việc duy trì mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư hiện có, Malaysia và Việt Nam cần đi sâu trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, giáo dục, an ninh lương thực và an ninh năng lượng… Hai nước cùng cần phối hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển ngành thực phẩm Halal, giúp tăng cường khả năng thích ứng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.
Nền kinh tế của Việt Nam và Malaysia đang được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Mới đây, cả Malaysia và Việt Nam đều đã được công nhận là đối tác của BRICS. Những cơ chế hợp tác này tạo điều kiện cho hai nước tiếp cận các lĩnh vực hợp tác mới như kinh tế kỹ thuật số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...
Ngoài thương mại và đầu tư, hai nước đang tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, bao gồm thúc đẩy hợp tác đào tạo và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Điều quan trọng nhất, theo học giả Kavi, là hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tạo môi trường thuận lợi để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982).